Phát triển cảm xúc

                PHÁT TRIỂN CẢM XÚC

 

                                                                  BS.Phan Thiệu Xuân Giang

 

Phát triển cảm xúc có tầm quan trọng cho hiểu biết của chúng ta về cả tâm bệnh lý lẫn bình thường.Mặc dầu cảm xúc có các chức năng đáp ứng quan trọng, cảm xúc cũng có thể có hậu quả đáp ứng sai lệch khi nó không được thống nhất trong những hệ thống phát triển khác.

-Biểu lộ cảm xúc: Một trong những quá trình liên quan đến phát triển cảm xúc là biểu lộ cảm xúc. Ở giai đoạn rất sớm của cuộc sống, trẻ sơ sinh có khả năng biểu lộ một mức độ cảm xúc rộng rãi khác nhau bao gồm: thích thú, mỉm cười, khó chịu và đau đớn. Vào khoảng 2 hay 3 tháng tuổi trẻ biểu hiện được sự buồn rầu và giận dữ, ngược lại sợ hãi xuất hiện vào lúc trẻ được khoảng 6-7 tháng tuổi. Cùng với sự phát triển gia tăng về nhận thức sau năm đầu đời, trẻ có thể biểu lộ được những cảm xúc phức tạp hơn như là sự khinh rẻ, xấu hổ, e thẹn, và tội lỗi. Sự biểu lộ cảm xúc xuất hiện bị ảnh hưởng nhiều bởi người chăm sóc. Trẻ nhũ nhi bắt chước trực tiếp cảm xúc của người chăm sóc và  ngược lại người chăm sóc củng cố một cách chọn lọc đối với những biểu lộ trên khuôn mặt của trẻ nhỏ, ví dụ: trẻ cười theo kiểu này thì nét mặt của người chăm sóc thay đổi theo một kiểu nào đó và được lập lại nhiều lần, các bà mẹ đáp ứng một cách khác nhau đối với việc biểu lộ giận dữ ở những trẻ nhũ nhi trai và gái.

Khoảng từ 10-12 tháng tuổi, vai trò của biểu lộ cảm xúc gia tăng về mặt xã hội và có một chức năng quan trọng trong việc tổ chức hành vi. Trẻ một năm tuổi xét đoán ý nghĩa của các sự kiện thông qua việc học tập từ việc đáp ứng cảm xúc của người chăm sóc đối với các sự kiện đó, hiện tượng này được gọi là tham khảo xã hội (Social referencing).

Khi trẻ phát triển qua năm thứ 2, biểu lộ cảm xúc trở nên ổn định hơn và thống nhất hơn với phát triển nhận thức. Trong năm thứ 3, sự tự ý thức và suy nghĩ tượng trưng xuất hiện,chúng ta bắt đầu nhận thấy sự xuất hiện của những cảm xúc tự ý thức như xấu hổ, tội lỗi, bối rối và tự hào(Harter,1999). Trẻ ở tuổi trước khi đến trường đánh giá thành tích của của chúng và phản ứng có cảm xúc đối với thành công và thất bại, biểu hiện kinh nghiệm vui thích, không hài lòng không chỉ đối với nhiệm vụ mà còn đối với chính trẻ ( Stipek, 1995).

Ở giai đoạn giữa cuả tuổi nhỏ, trẻ cho thấy có khả năng xác định sự phù hợp xã hội ( Social appropriateness) nhiều hơn về các biểu lộ cảm xúc và có khả năng kềm chế hoặc che dấu các phản ứng cảm xúc của chúng khi tình huống và các tiêu chuẩn xã hội đảm bảo xác đáng. Ví dụ như khi trẻ được cho chơi trò chơi video khác, trẻ 10 tuổi thường hay cười và nói cám ơn nhiều hơn so với trẻ 5 tuổi. Nghiên cứu của Larson và Richards (1994) khi yêu cầu trẻ vị thành niên và cha mẹ  chúng mang máy nhắn tin và báo lại cảm xúc của họ khi được nhắn tin ngẫu nhiên ở một khoảng thời gian nào đó, trẻ vị thành niên báo lại rằng chúng thấy vui vẻ nhiều hơn gấp 5 lần so với cha mẹ báo lại nhưng chúng báo lại rằng không vui gấp 3 lần. Cảm xúc của trẻ vị thành niên cực đoan hơn và cũng nông cạn hơn . Mặt khác, sự phát triển nhận thức cung cấp cho trẻ vị thành niên sự ý thức về ảnh hưởng của việc biểu lộ cảm xúc của chúng và gia tăng kỹ năng xử lý cảm xúc, những điều này cho phép trẻ kềm chế được cảm xúc khi chúng có thể gây hại cho các mối quan hệ hoặc để giao tiếp cảm xúc khi chúng có thể gia tăng sự liên kết với người khác (Saari,1999).

Ghi nhận cảm xúc ( Emotion recognition):

Trẻ em có thể thăm dò khuôn mặt của người chăm sóc nhằm để có được các gợi ý về ý nghĩa của các sự kiện xảy ra xung quanh chúng : Điều này an toàn hay nguy hiểm? Trẻ nhỏ thường nhìn xem việc biểu lộ cảm xúc của những người xung quanh chúng để diễn giải thậm chí đối với cả trải nghiệm nội tâm của chính trẻ: Ví dụ, trẻ nhỏ bị ngã, tuỳ theo sự biểu lộ cảm xúc của cha mẹ là báo động hay bình tĩnh mà trẻ bắt đầu khóc nhè hay bỏ qua mà chơi tiếp. Ghi nhận cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển các quan hệ xã hội khoẻ mạnh và là một điều kiện tiên quyết để có được sự thấu cảm và hành vi tiền xã hội.

Hiểu được cảm xúc (Emotion understanding):

Đây là phần tương tác giữa phát triển nhận thức và phát triển cảm xúc. Nhiệm vụ quan trong của phát triển là có khả năng nhận dạng, hiểu được và lý giải được về cảm xúc của chính bản thân và về người khác. Hiểu được cảm xúc là tâm điểm đối với sự phát triển trong bối cảnh cá nhân, bao gồm: quan điểm về bản thân và có vai trò trung tâm trong việc phát triển về đạo đức và quan hệ với người khác, bao gồm sự thấu cảm và thành thạo về xã hội. Chỉ khi việc biểu lộ cảm xúc được gia tăng qua kiểm soát có ý thức trong quá trình phát triển, trẻ lớn hơn có khả năng phản ảnh và hiểu được cảm xúc của mình với mức độ phức tạp hơn và sâu sắc hơn, Ví dụ trẻ ở tuổi đi học hiểu được rằng có thể trải nghiệm nhiều hơn một loại cảm xúc ở cùng một thời điểm, cảm xúc xuất hiện bên ngoài các tình huống đặc biệt, trải nghiệm giống nhau có thể gợi lên những cảm xúc khác nhau ở những người khác nhau.

Điều chỉnh cảm xúc (Emotion regulation):

Là khả năng theo dõi, đánh giá và bổ trợ đáp ứng cảm xúc của chính mình nhằm để hoàn thành một nhiệm vụ (Thompson,1994).Điều chỉnh cảm xúc cần phải có khả năng để định dạng, hiểu được và làm nhẹ đi cảm xúc của mình khi thích hợp. Điều chỉnh cảm xúc có thể liên quan đến việc ức chế hoặc làm dịu bớt các phản ứng cảm xúc, ví dụ: trẻ có thể thở sâu, đếm đến 10 nhằm giúp trẻ bình tĩnh khi đối mặt với cảm xúc khó chịu. Điều chỉnh cảm xúc cũng có thể liên quan đến việc gia tăng cường độ thức tỉnh cảm xúc nhằm để đạt được một mục tiêu. Ví dụ, trẻ có thể gia tăng sự tức giận nhằm để có được can đảm đứng trước một kẻ bắt nạt, hoặc trẻ có thể gia tăng các cảm xúc tích cực bằng cách nhớ lại hoặc tái diễn lại một kinh nghiệm vui vẻ. Thực chất, điều chỉnh cảm xúc cho phép trẻ là “ông chủ của chính mình”- theo cách nói của một thân chủ trẻ em!

Cha mẹ góp phần vào các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ bằng cách đáp ứng một cách nhạy bén với sự khó chịu của trẻ và giữ được cảm xúc ở mức độ có thể chấp nhận được vì thế cảm xúc có thể xử lý được (Kopp,2002). Qua quá trình phát triển, trẻ có thể tiếp tục các chức năng  điều chỉnh này nhằm để tham gia vào việc tự xoa dịu (self-soothing) và điều hoà cảm xúc của chính trẻ. Khi cùng với các dạng tự điều chỉnh khác, các chức năng mà trẻ dựa vào cha mẹ lúc khởi đầu trở thành nội hoá nhờ thế mà trẻ có thể thực hiện được những kỹ năng này cho chính bản thân trẻ.

Các quá trình cảm xúc và tâm bệnh học phát triển:

Biểu lộ, ghi nhận hoặc hiểu được cảm xúc không chính xác: Chúng ta sẽ thảo luận về những trẻ có  suy kém một số chức năng cảm xúc cơ bản. Ví dụ như trẻ tự kỷ, các trẻ này có thể biểu lộ cảm xúc không thích hợp và không thể đọc và hiểu được cảm xúc một cách chính xác ở người khác.Trong những trường hợp khác, khả năng phát triển các kỹ năng ghi nhận cảm xúc của trẻ bị cản trở bởi một môi trường xã hội mà ở đây cung cấp cho trẻ các tính hiệu hỗn hợp và không rõ ràng. Ở những trường hợp khác, trẻ có thể mang những niềm tin méo mó  mà chúng làm nặng thêm khả năng diễn dịch cảm xúc ở người khác, ví dụ như trong trường hợp rối loạn cư xử. Hậu quả là khi sự phát triển về biểu lộ cảm xúc, ghi nhận, hiểu cảm xúc bị sai lệch, chúng ta sẽ thấy một ảnh hưởng lớn trên việc điều chỉnh tâm lý.

Rối loạn điều chỉnh cảm xúc:

Cơ chế nguy cơ nổi trội trong sự phát triển cảm xúc là điều chỉnh cảm xúc nghèo nàn. Cole và cộng sự (1994) chỉ cho thấy rằng điều chỉnh cảm xúc có thể phát triển sai lệch theo hai cách: kém điều chỉnh hoặc quá mức điều chỉnh. Nói theo cách khác, không có khả năng biểu lộ cảm xúc của mình có thể là vấn đề cũng như là không có khả năng kiểm soát chúng . Ngược lại kém điều chỉnh cảm xúc liên quan đến các rối loạn có tính ngoại hoá đi kèm với kiểm soát xung động kém, phóng ngoại (Acting- out) và hành vi gây hấn, còn điều chỉnh quá mức có thể liên quan đến sự phát triển của các vấn đề có tính nội hoá (Internalizing problems) đi kèm với lo âu, trầm cảm và các khó chịu bên trong nội tâm.

Điều chỉnh cảm xúc là một phần thiết yếu của nhiều dạng tâm bệnh mà chúng ta sẽ thảo luận. Ví dụ, điều chỉnh cảm xúc là điểm cốt lõi để đối mặt với lo âu cũng như là một chìa khoá đối với việc làm nhẹ đi sự giận dữ vì thế nó không làm xuất hiện sự gây hấn. Tương tự như thế, khả năng kiểm soát các tình trạng cực đoan về các khuấy động cảm xúc tiêu cực và tích cực cho phép các mối liên hệ bạn bè tiến triển một cách trơn tru.

Các mối quan hệ giữa cha mẹ-trẻ đóng một vai trò quan  trọng trong việc làm nền tảng cho khả năng xử lý các cảm xúc tức giận ở trẻ. Tuy nhiên quá trình phát triển càng gia tăng, trẻ cần phải có khả năng trở nên tự dựa vào mình và làm chủ được chính cảm xúc của mình trong những môi trường mà cha mẹ không có mặt để trợ giúp như là ở trường học, và trong bối cảnh bạn bè. Có lẽ cánh cửa tốt nhất cho quá trình này được cung cấp bởi  cấu trúc  gắn bó cha mẹ-con, bằng cách này trẻ di chuyển từ việc dựa vào cha mẹ đến việc điều chỉnh cảm xúc được nội hoá.