Mô hình hệ thống gia đình

MÔ HÌNH HỆ THỐNG GIA ĐÌNH

                                                                               BS. Phan Thiệu Xuân Giang

Trong khi nhiều học thuyết khác thừa nhận tầm quan trọng của những mối liên hệ gia đình, điều làm tách biệt mô hình hệ thống ra đó là mô hình này nhìn nhận toàn bộ gia đình như là một đơn vị cần phân tích. Gia đình được khái niệm như là một hệ thống, một tổng thể có tính động hơn là tổng hợp các phần của nó lại với nhau.  Các hệ thống này có một số đặc điểm nhất định. Ví dụ, chúng gắn kết với nhau, ổn định và có một khuynh hướng tự chỉnh đốn lại ( self-righting), được gọi là hằng định nội môi ( Homeostasis), điều này cho phép chúng duy trì được cấu trúc ngay cả khi đối diện với thay đổi. Giống như học thuyết phân tâm, quan điểm hệ thống bao gồm nhiều trường phái khác nhau về tư tưởng nhưng trong trường hợp này tư tưởng chính   hợp nhất chúng lại đó là nhân cách cá nhân là một chức năng của một hệ thống gia đình.

Theo Minuchin, một trong những cách thức mà ở đó là phần của một gia đình giúp chúng ta phát triển là cho phép chúng ta tham gia vào một số lượng những mối quan hệ khác nhau cùng một lúc. Trong một hệ thống gia đình lớn hơn, có những hệ thống nhỏ hơn xảy ra một cách tự nhiên nối kết một số thành viên trong gia đình lại và phân biệt họ với những người khác. Ví dụ, cha mẹ hình thành một hệ thống nhỏ về hôn nhân, điều này dựa trên những vai trò bổ trợ  mà chồng và vợ cùng hoàn thành: để là một cặp lãng mạn, để nuôi dưỡng con trẻ, để đóng vai trò lãnh đạo trong gia đình. Những mối quan hệ cha mẹ-con trẻ bao gồm hệ thống nhỏ khác, dựa trên các nhu cầu không có tính qua lại và trách nhiệm mà cha mẹ và con trẻ cùng hoàn thành cho người khác; ví dụ, trong lúc trẻ trở về với cha mẹ để được thoải mái và có lời khuyên, cha mẹ mong đợi rằng quyền của họ được tôn trọng.

Anh chị em hình thành nên một hệ thống nhỏ khác, dựa vào tình trạng cùng chia sẻ của chúng khi là trẻ trong một gia đình. Anh chị em cũng có khác biệt với nhau; ví dụ, đặc quyền đặc lợi có thể dành cho trẻ lớn nhất trong nhà và phạm vi mở rộng thêm lại được dành cho con út. Ở Việt Nam chúng ta cũng có những quan niệm về gia đình và vai trò của mỗi cá nhân khác nhau theo ảnh hưởng của truyền thống: “ quyền huynh thế phụ”, “ giàu út chia nghèo út hưởng”…

Qua những vai trò khác nhau mà các thành viên trong gia đình đóng, họ trải nghiệm cùng một lúc những cảm nhận về tình máu mủ ruột thịt và cảm nhận về sự độc lập với những người khác cùng chung trong gia đình. Ở Việt Nam chúng ta cũng có những truyền thống trùng hợp: “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “ Anh em như thể tay chân”, “ Chị ngã em nâng” , “Anh em kiến giả nhất phận”, “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”…

Điều cho phép những hệ thống nhỏ này vận hành chức năng tốt đẹp là ranh giới ( Boudaries) phân cách chúng với nhau. Những ranh giới rõ ràng phân biệt các hệ thống nhỏ này với những hệ thống nhỏ khác , xác định vai trò của mỗi cá thể,cho phép các thành viên trong gia đình những cơ hội gặp được nhu cầu phát triển phù hợp với chính họ. Những ranh giới rõ ràng cũng có thể tiếp nhận và đáp ứng ; đó là chúng cho phép cả hai  tiếp xúc  về cảm xúc và độc lập, thay đổi khi nhu cầu của các thành viên trong gia đình thay đổi trong quá trình phát triển. Ví dụ, mối quan hệ cha mẹ-con trẻ trở nên có tính qua lại và quân bình hơn khi trẻ bước vào giai đoạn bắt đầu trưởng thành.

Không duy trì được ranh giới có thể làm cho gia đình trở nên lộn xộn và rối loạn chức năng. Ví dụ, ranh giới quá cứng ngắc làm duy trì sự chia cách giữa các thành viên trong gia đình hoặc duy trì vai trò khác biệt một cách chặt chẽ giữa những thành viên: “ Cha là nhất” ; Trong khi ranh giới có thể duy trì một cảm nhận về sự độc lập và tự thấy đầy đủ, chúng cũng có thể làm cho các thành viên gia đình khó khăn để vượt qua những hàng rào để mà truyền đạt cảm nhận của mình hay có được sự trợ giúp về mặt cảm xúc. Các cá nhân có thể cảm thấy cô đơn và không được trợ giúp trong một gia đình đóng khuôn chặt chẽ và thiếu vắng một cảm nhận vế tình cảm ruột thịt.

Ở cực khác, vắng mặt hay ranh giới không rõ ràng đưa đến việc dính kẹt (Enmeshment). Các thành viên gia đình bị dính kẹt  không phân biệt giữa người này và người khác. Tính qua lại và cùng với nhau được  nhấn mạnh ở  chỗ làm triệt tiêu đi tính cá thể và chia cách Trong khi các thành viên gia đình có thể tận hưởng những cảm nhận về tình cảm ruột thịt và chia sẻ, sự dính kẹt thái quá có thể ngăn chặn sự tự do của mỗi cá thể khi họ muốn có những suy nghĩ và ước muốn tự lập. Một cố gắng để cá nhân hoá của một thành viên gia đình có thể được cảm nhận như một đe doạ đối với tính hài hoà của hệ thống gia đình và có thể tạo ra lo âu hay chống đối. Ví dụ, một thanh niên trong một gia đình dính kẹt muốn đi xa để học đại học có thể làm khởi phát một cuộc khủng hoảng trong gia đình.

Trong cái nhìn của Minuchin về  cấu trúc gia đình, tâm điểm của gia đình là hệ thống nhỏ hôn nhân. Sự mật thiết, hổ trợ cảm xúc, tính qua lại đặc trưng cho một mối quan hệ mạnh khoẻ của vợ chồng là điều duy nhất, ví dụ, những nhu cầu cảm xúc mà một người trong cặp vợ chồng lãng mạn hoàn thành thì khác biệt với những gì được hoàn thành bởi mối quan hệ cha mẹ-con và mối quan hệ giữa các anh chị em. Minuchin đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu đối với ranh giới rõ rệt xung quanh bộ đôi hôn nhân. Khi ranh giới này bị xâm phạm,trẻ bị liên luỵ vào mối quan hệ hôn nhân của cha mẹ trong cách thức không thích hợp, tâm bệnh lý có thể phát triển. Minuchin mô tả các hệ thống gia đình có vấn đề khác nhau gọi là  các tam giác cứng ngắc ( Rigid triangles).

Đầu tiên, một liên kết cha mẹ-con trẻ xuất hiện khi một cha hay mẹ kéo trẻ vào một liên minh và loại trừ cha mẹ khác ra khỏi. Mối quan hệ như vậy xảy ra khi một cha mẹ khuyến khích trẻ cư xử một cách không tôn trọng đối với cha hoặc mẹ kia, hoặc nó có thể xảy ra dưới dạng một sự thân thiết quá mức và mối quan hệ dính kẹt giữa một cha hay mẹ với một trẻ. Tính động này của gia đình có thể tạo ra một trẻ bị cha mẹ hoá đó là trẻ phải mang gánh nặng do nhiệm vụ phát triển không thích hợp như cung cấp hỗ trợ về cảm xúc và thực hiện như một người bạn tâm tình mật thiết của một cha mẹ. Minuchin cho một ví dụ về một gia đình mà trong gia đình này bà mẹ có cuộc hôn nhân không hạnh phúc và bị trầm cảm. Người con gái cả làm nhiệm vụ chuẩn bị các bữa ăn , chăm sóc những  đứa em nhỏ của mình, che lấp những điểm yếu cho mẹ và người cha không biết gì về những trục trặc của vợ mình. Một số những hậu quả tiêu cực theo sau màn kịch này. Bởi vì người con gái đã lãnh trách nhiệm qua nhiều năm, cô bắt đầu cảm thấy căng thẳng và quá mức chịu đựng. Ngoài ra do những đứa em của mình không  tiếp cận trực tiếp với mẹ và không thể nhận được sự chăm sóc và chú ý khi trẻ cần từ bà mẹ, những trẻ này bắt đầu có những cư xử lộn xộn. Hơn nữa, bởi vì không giao tiếp với nhau một cách trực tiếp, họ không thể giải quyết những vấn đề hôn nhân của họ được. Tóm lại, trong khi khuynh hướng  trở thành cha mẹ ( cha mẹ hoá) của cô chị là tốt và sự hy sinh bản thân có thể giúp đỡ gia đình trong thời gian ngắn, về lâu dài, gia đình này sẽ gia tăng khó chịu và không hạnh phúc.

Loại thứ hai trong tam giác cứng ngắc là loại tam giác tay ba , trẻ bị dính vào giữa cha và mẹ. Trong trường hợp này, trẻ cố gắng duy trì được một liên kết với mỗi cha mẹ hoặc là với vai trò người hoà giải, người trung gian hoặc là đáp ứng với áp lực của mỗi cha mẹ mỗi bên. Minuchin mô tả đây là một gia đình mang căng thẳng nhiều nhất đối với trẻ , những cố gắng của trẻ để được gần với một trong hai cha mẹ có thể được cha hay mẹ kia diễn giải như là trẻ không trung thành với mình. Dạng gia đình này thường thấy trong những cuộc ly dị mà cha mẹ dằng co nhau để giám hộ con trẻ.

Loại tam giác thứ ba là loại chệch hướng, là loại tam giác gia đình vi tế nhất bởi vì có thể không có xung đột rõ ràng giữa cha mẹ. Cha mẹ khăng khăng cho rằng hôn nhân của họ là hoàn hảo, và vấn đề trong gia đình chỉ là do con của họ không vâng lời hay có bản chất mỏng manh yếu đuối. Tuy nhiên khi nghiên cứu rõ hơn về dạng gia đình này, Minuchin thấy rằng cha mẹ chẳng bao giờ có thời gian cùng với nhau như cặp vợ chồng thực sự quan tâm đến nhau thay vào đó  họ lại  bỏ thời gian và năng lượng của mình giành hết cho việc chăm sóc con cái. Khi Minuchin quan sát các cách thức biểu hiện bên ngoài khi cha mẹ trợ giúp và khuyến khích các vấn đề của trẻ, thời gian chỉ khi cha mẹ hành động cùng với nhau là khi họ đáp ứng với những nhu cầu đặc biệt của trẻ. Minuchin kết luận rằng một số cặp vợ chồng có hôn nhân không hạnh phúc nhưng họ lại cố gắng tránh né thừa nhận các vấn đề hôn nhân của mình bởi vì họ không biết cách nào để giải quyết; thay vì thế, họ cố làm lệch sự chú ý đến chúng hoặc đi vòng vòng quanh chúng. Vì thế, có một đứa trẻ có vấn đề lộn xộn có chức năng trong gia đình bằng cách cung cấp cho cha mẹ một vấn đề nằm bên ngoài mối quan hệ của họ và nhờ đó họ chú ý đến vấn đề của trẻ hơn là giải quyết khó khăn thực sự trong hôn nhân của họ. Bởi vì họ hiệp nhất với nhau khi cố gắng đáp ứng với “ trẻ có vấn đề”, đi vòng vòng cho phép cặp vợ chồng này duy trì được một ảo tưởng về sự hài hoà. Hơn nữa, cặp vợ chồng đi vòng vòng được thúc đẩy củng cố hành vi có vấn đề của trẻ một cách công khai nhằm để duy trì sự ổn định trong hệ thống gia đình. Đi chệch hướng cũng có thể có 2 dạng: chệch hướng-tấn công: khi trẻ được xem như là một điều gây rắc rối hay là trẻ xấu. Chệch hướng- trợ giúp: khi trẻ được xem như là có nhu cầu và yếu đuối ( Carlson,1990). Trẻ bị mắc kẹt trong tam giác gia đình được gọi là bệnh nhân bị định dạng ( Identified patient) bởi vì trẻ là một người có biểu hiện triệu chứng một cách công khai. “ Bố con bảo con là trẻ xấu”, “ mẹ con nói con là trẻ yếu đuối”….

Cái nhìn của Minuchin mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến mức bao gồm luôn bối cảnh lớn hơn mà sự phát triển của trẻ xảy ra. Không chỉ là tâm lý cá nhân quan trọng , cũng như mối quan hệ của trẻ với cha mẹ, toàn bộ hệ thống  gia đình cũng góp phần vào. Một ý nghĩa quan trọng khác của tiếp cận theo cách  hệ thống gia đình là vị trí của tâm bệnh lý không phải nằm ở trẻ hay thậm chí ở cha mẹ mà là mối quan hệ giữa họ với nhau. Cuối cùng ,quan điểm về hệ thống nhắc nhở chúng ta dùng một tiếp cận chức năng đối với việc diễn giải hành vi có vấn đề. Một trẻ gây hấn, phóng ngoại có thể biểu hiện xáo trộn. Tuy nhiên xác suất khác là hành vi sai lệch của trẻ có nhiệm vụ như là một chức năng trong  hệ thống gia đình, có lẽ biểu hiện một cố gắng nhằm để gặp được những nhu cầu phát triển thích hợp trong một môi trường bệnh lý. Vì thế quan điểm về hệ thống gia đình phù hợp với định nghĩa của chúng ta về tâm bệnh học như là sự phát triển bình thường nhưng bị đi lệch hướng.

SO SÁNH VÀ LỒNG GHÉP CÁC MÔ HÌNH VỚI NHAU:

Có nhiều điểm bất đồng giữa những mô hình trên. Freud thì chủ yếu quan tâm đến những xung năng, những sự kiện vô thức và tinh thần, trong khi đó những nhà tâm lý học cái tôi thì tập trung vào đáp ứng tâm lý xã hội, các nhà lý thuyết về quan hệ đối tượng thì nhấn mạnh đến tính chủ yếu của các mối quan hệ cá nhân với nhau. Một cách truyền thống, các nhà hành vi muốn bỏ đi bối cảnh bên trong từng cá nhân cùng với tất cả những gì thuộc về tinh thần nó mang theo và thay thế bằng tâm lý khách quan hướng đến môi trường. Các nhà tâm lý nhận thức lại giới thiệu các thuật ngữ tinh thần như : sơ đồ tinh thần nhằm để hiểu ra làm thế nào trẻ diễn dịch các kinh nghiệm cùng với môi trường.

Cũng có một vài điểm tương đồng. Ví dụ, ngay cả những mô hình đối lập với nhau một cách rõ ràng như quan hệ đối tượng và học thuyết về hệ thống gia đình cũng đồng ý rằng những mối quan hệ là tâm điểm đối với sự phát triển nhân cách. Hơn nữa, mỗi trong những mô hình này đều đã trải qua chính những quá trình phát triển của nó, ở đó nhiều trường hợp đã mang đến một sự mở rộng nền tảng chung cùng chia sẻ giữa các học thuyết với nhau. Mô hình y học đã không diễn đạt theo cách phân chia như là di truyền với môi trường nữa mà thực ra có một ghi nhận rằng sinh vật phát triển trong một bối cảnh môi trường mà có tương tác và ảnh hưởng đến những thay đổi về thể chất.  Mô hình phân tâm thì di chuyển từ việc nhấn mạnh đến bên trong cá thể sang việc thừa nhận bối cảnh qua lại giữa các cá nhân, trong khi mô hình hành vi lại thay đổi theo chiều hướng đối lập lại. Cùng với sự gia tăng trùng lấp và những điểm tương đồng giữa những mô hình khác nhau về tâm bệnh học, có thể cần đến một mô hình hợp  nhất xuất hiện. Tâm bệnh học phát triển trình bày những bước đầu tiên về hướng tạo ra một mô hình lồng ghép.