Học thuyết quan hệ đối tượng

Margaret  Schoberger Mahler

(1897-1985)

HỌC THUYẾT QUAN HỆ ĐỐI TƯỢNG:

Một cuộc cách mạng thứ ba trong tư tưởng của phân tâm học được trình bày bằng học thuyết quan hệ đối tượng. Quan hệ đối tượng thực sự nói đến một tập hợp khác trong cái nhìn của phân tâm, nó chia sẻ trọng tâm với mức độ quan trọng của những gắn bó tình cảm trong sự phát triển của con người. Ngược lại với Freud, người cho rằng trẻ gắn bó với cha mẹ khởi đầu là do cha mẹ thoả mãn được những ham muốn của trẻ, đối với những nhà lý thyết về liên hệ đối tượng, đây là sự liên hệ, yêu thương là động cơ chủ yếu của hành vi con người. Nhãn hiệu “ quan hệ đối tượng” nói đến mối quan hệ với những người , những đối tượng đối với sự yêu quí của chúng ta, xác định những kiểu người nào chúng ta sẽ trở thành. Nhân vật chính trong truyền thống này là Bowlby (1988), học thuyết của ông về sự gắn bó  có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến khái niệm về phát triển bình thường và lệch chuẩn và tạo ra nghiên cứu đáng giá. Nhân vật thứ hai quan trọng đó là Margaret Mahler, học thuyết của bà cung cấp cho chúng ta một nền tảng về học thuyết liên hệ đối tượng. Qua quá trình phát triển trong 3 năm đầu đời, Mahler đề ra “ sự ra đời tâm lý” (Psychological birth) của một trẻ xảy ra qua hàng loạt các giai đoạn được gọi là quá trình chia cách-cá thể hoá ( Separation-Individuation).

Khởi đầu vào lúc sanh, trẻ nhỏ không phân biệt được giữa bản thân và người khác ( Tự kỷ bình thường). Tuy nhiên trong suốt 2 tháng đầu đời, có một sự ghi nhận sơ khai rằng có một người chăm sóc đáp ứng với nhu cầu của trẻ nhỏ. Lúc đầu, trẻ cảm nhận bản thân và người chăm sóc như là 2 phần của một cơ thể sinh vật ( giai đoạn cộng sinh, symbiotic phase). Tuy nhiên không thể tránh khỏi, có những thời điểm mà giữa người chăm sóc và trẻ không có sự đồng bộ hoàn toàn. Khoảng 4 tháng tuổi, những kinh nghiệm về sự chậm trễ, ấm ức, các mục tiêu không ăn khớp, giúp trẻ nhận ra rằng người chăm sóc là một con người riêng biệt với chính những cảm xúc và khuynh hướng riêng biệt của họ ( giai đoạn phân biệt). Ở khoảng 8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu bò và có khả năng di chuyển theo chính hướng của trẻ. Trẻ khám phá xung quanh người chăm sóc và trở về “ nền tảng an toàn” ở những khoảng thời gian đều đặn nhằm để “ tái nạp năng lượng cảm xúc”, thực hành một cách chủ động việc chia cách và gần gũi ( giai đoạn thực hành). Khi trẻ ở khoảng 2 tuổi, việc  bắt đầu có những suy nghĩ biểu tượng cung cấp cho trẻ một ý thức về tính dễ bị thương tổn đi kèm với việc bị chia cách ( Ví dụ: nếu tôi đi xa quá, tôi có thể bị lạc). Cùng lúc đó, trẻ thèm muốn sự độc lập và mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ có biểu hiện tính hai chiều (Ambivalence)  khi trẻ chuyển đổi giữa việc bám víu vào cha mẹ hay người chăm sóc và đẩy họ ra xa (Giai đoạn lập lại mối quan hệ). Đây là lúc trẻ trải nghiệm người chăm sóc như là hai trạng thái khác biệt : bà mẹ “ tốt” là người yêu thương, tốt bụng và bà mẹ “ xấu” là người gây ấm ức, thất vọng.

Giai đoạn cuối cùng trong quá trình chia cách cá thể hoá là giai đoạn được khởi đầu bằng việc đạt được hằng định đối tượng cảm xúc: Khả năng hoà nhập cả hai cảm xúc tích cực và tiêu cực lại thành một đại diện duy nhất. Vì thế, có thể có tức giận với bà mẹ nhưng lại vẫn yêu thương bà ấy, thất vọng với ai đó nhưng vẫn còn tin người đó là con người có giá trị. Giống như khái niệm của Piaget về hằng định đối tượng, hằng định đối tượng tuỳ thuộc vào năng lực nhận thức để nhận ra rằng đối tượng ở ngoài tầm mắt nhưng vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên hằng định đối tượng cần  ghi nhận rằng đó là một cảm xúc mà chúng ta không trải nghiệm nó ở ngay lúc hiện tại, ví dụ: âu yếm một người nào đó vừa làm chúng ta bực mình. Tóm lại, hằng định đối tượng cho phép chúng ta trải nghiệm chính mình và người khác là con người đầy đủ bằng xương bằng thịt, con người toàn thể bao gồm cả những phẩm chất tốt và xấu.

Tâm điểm của học thuyết quan hệ đối tượng đó là cảm nhận của trẻ về bản thân phát triển trong bối cảnh mối quan hệ với người chăm sóc. Chất lượng của mối quan hệ đó truyền đạt  một thông điệp quan trọng về giá trị của trẻ và tính đáng tin cậy ở người khác. Vì thế, qua kinh nghiệm của trẻ với người chăm sóc, trẻ phát triển một đại diện bên trong ( Internal representation) về mối quan hệ. Trẻ có trải nghiệm về sự chăm sóc ấm áp và nhạy bén sẽ nội hoá một hình ảnh về cha mẹ yêu thương –“ đối tượng tốt”- và bản thân trẻ cũng được xem như là đáng yêu. Ngược lại, trẻ có trải nghiệm về cha mẹ kém sẽ nội hoá một hình ảnh về người chăm sóc trẻ như là giận dữ và từ chối- “ đối tượng xấu” – và xem trẻ như là đối tượng không có giá trị và không có khả năng tạo nguồn cảm hứng yêu thương.

Phê phán về công trình của Mahler cũng như hầu hết các học thuyết về phân tâm đó là các học thuyết này dựa vào quan sát lâm sàng và suy đoán hơn là dữ liệu khách quan. Công trình gần đây nhất về sự phát triển bản ngã ( self-development) ở trẻ nhỏ gợi ý rằng việc chỉnh sửa lại học thuyết này cần theo trình tự. Ví dụ, bằng chứng gợi ý rằng trẻ nhũ nhi bình thường không thiếu cảm nhận về chia cách giữa bản thân và người khác. Hơn thế, từ rất sớm trong cuộc đời, trẻ cho thấy những năng lực xuất hiện để tự tổ chức và tham gia vào việc dàn dựng những mối quan hệ giữa những cá nhân với nhau. ( Stern, 1985). Trong khi học thuyết của Mahler có thể không mô tả chính xác sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ, nó có thể là một cách hữu hiệu trong việc mô tả nguồn gốc của một số dạng tâm bệnh lý ( Greenspan, 2003).

Tóm lại, những mô hình phân tâm là những mô hình phát triển hướng đến tất cả những học thuyết về tâm bệnh lý nhiều nhất. Trong những đóng góp có ý nghĩa nhất làm cho chúng ta hiểu được về sự phát triển bình thường và bệnh lý là việc vén mở những đại diện về vô thức và những khuynh hướng làm nền cho hành vi con người, một giả định được nghiên cứu hiện đại ủng hộ.

Khái niệm về cơ chế phòng vệ của ego là một đóng góp quan trọng khác mà học thuyết phân tâm làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về phát triển. Bản chất của những phòng vệ được sử dụng nhằm để né tránh lo lắng , bất kể những cơ chế này là nguyên sơ, tinh tế, cứng ngắc hay linh hoạt, mỏng dòn hay mạnh mẽ, chúng đều cho chúng ta một manh mối quan trọng về sự trưởng thành cảm xúc và mức độ thực hành chức năng cuả cá nhân đó.

Tuy nhiên, một trong những yếu điểm của khái niệm về tâm động là  khuynh hướng tập trung hẹp vào 5 năm đầu đời, không chú ý đến những giai đoạn phát triển sau. Phân  tâm cũng có tính suy luận, thiên về tinh thần, quá phức tạp, khó hiểu cùng với những điều không tương hợp; những giả định của phân tâm cũng khó đánh giá bằng nghiên cứu có kiểm chứng một cách chặt chẽ đây là  điều mà các nhà hành vi cho rằng cần thiết cho một ngành tâm lý học khoa học.

Nhưng kết luận rằng các khái niệm về tâm động học là không thể đánh giá được bằng thực nghiệm là điều không hợp lý. Các học thuyết về phân tâm đã tạo ra nhiều nghiên cứu hơn bất kỳ học thuyết nào về nhân cách, một số  những giả định chính yếu đã được ủng hộ thực nghiệm. Học thuyết phân tâm hiện đại, lồng ghép với quan điểm nhận thức, cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho một thế hệ mới những nhà nghiên cứu tâm lý lâm sàng. ( Fonagy, Gergely, Jurist & Target,2003).