Mối liên hệ giữa cảm xúc và nhận thức trong quá trình phát triển

MỐI LIÊN HỆ GIỮA CẢM XÚC VÀ NHẬN THỨC TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

                                                                                               BS. Phan Thiệu Xuân Giang

Rõ ràng là một số loại cảm xúc được biểu hiện chủ yếu hơn trong một thời kỳ phát triển so với những loại cảm xúc khác. Những cảm xúc ở giai đoạn khởi đầu có nhiệm vụ như là những chức năng đáp ứng. Ví dụ như những trẻ nhũ nhi khoẻ mạnh kích thích tương tác xã hội để tạo nên sự phát triển và gia tăng trợ giúp xã hội bằng cách mỉm cười một cách đều đặn và thường xuyên đúng vào lúc ai đó đi qua tầm nhìn của trẻ.

Mặt khác nếu giai đoạn sớm này mất điều chỉnh theo hai hướng hoặc là quá mức hoặc là dưới mức, trẻ trở nên mất đáp ứng và có thể dẫn đến tâm bệnh lý. Ví dụ như biểu lộ giận dữ và buồn rầu với cường độ cao ở giai đoạn biết đi có liên hệ một cách có ý nghĩa với những nét dễ bị nhiễu tâm vào lúc trẻ được  3,5 tuổi ( Abe & Izard, 1999b).

Mối liên hệ giữa cảm xúc và nhận thức:

Trong những năm gần đây, ngành khoa học thần kinh đã giúp gia tăng tầm hiểu biết của chúng ta một cách rõ rệt về kết cấu  và đáp ứng của hệ thống não bộ dưới nền tảng cảm xúc và các kiểu quá trình nhận thức khác nhau. Ví dụ, những hệ thống của não có thể tạo ra và duy trì được hành vi cảm xúc khi không có mặt của bất kỳ nhận thức nào mà chỉ là sự phân biệt về tri giác ( Perceptual discrimination) ( LeDoux, Sakaguchi & Reis, 1984). Tuy nhiên những câu hỏi quan trọng về các quá trình cơ bản này vẫn còn chưa được trả lời: Điều gì có ý nghĩa đối với kết cấu và chức năng tương đối độc lập của những hệ thống cảm xúc này? Có sự khác biệt về cá thể trong tính cấu trúc có lẽ ở những trẻ có nguy cơ tự kỷ hay bị tâm thần phân liệt sau này? Điều này gợi ý rằng chúng ta cần có sự chú ý hơn đối với quá trình phát triển mối quan hệ giữa cảm xúc và nhận thức. Bản chất của khuynh hướng tri giác, nhận thức, hay xử lý thông tin đặc trưng cho trẻ có khuynh hướng gây hấn, thanh niên có khuynh hướng chống đối xã hội, và người lớn có rối loạn lo âu là gì? Có phải khuynh hướng như thế báo hiệu sự rối loạn chức năng trong những hệ thống của não bộ liên quan đến tri giác, nhận thức, xử lý thông tin kết hợp với thực hiện quyết định hợp lý? Có phải nó đại diện cho việc suy kém trong những hệ thống cảm xúc hay xử lý thông tin cảm xúc? ( Schultz và cộng sự, 2000), hay có phải nó báo động những vấn đề trong cả hai hệ thống cảm xúc và xử lý nhận thức cũng như là trong việc xã hội hoá cảm xúc?

Mối liên hệ về cảm xúc và nhận thức trong quá trình phát triển có thể được nghiên cứu bằng cách sử dụng “ những thực nghiệm trong tự nhiên” ( Cicchetti, 2002). Những nghiên cứu này có thể thấy ở những trẻ có hội chứng Down, người bị tự kỷ và trẻ bị  ngược đãi. Cả hai loại trẻ, trẻ có hội chứng Down và trẻ bị ngược đãi đều sử dụng ít từ ngữ để biểu lộ trạng thái nội tâm bao gồm những từ để nói về cảm xúc bản thân và người khác. Khả năng biểu lộ cảm xúc của chúng ta về bản thân và cảm xúc của người khác bằng lời nói được xem như là nền tảng của quá trình phát triển cảm xúc sớm và là yếu tố dự báo  cho sự thành thạo về xã hội sau này ( Denham, 1998; Izard, 2002). Ở trẻ phát triển bình thường, ngôn ngữ về trạng thái nội tâm tương quan với hành vi chơi, nhưng mối liên hệ này không có ở trẻ có hội chứng Down ( Beeghly & Cicchetti, 1997). Phát hiện này gợi ý rằng những nối kết giữa các hệ thống trung gian xuất hiện giữa khả năng nhận thức ngôn ngữ và hành vi điều chỉnh cảm xúc xã hội đối với trẻ phát triển bình thường. Những nối kết này có thể bị chậm trễ hay suy giảm ở trẻ có hội chứng Down. Tương tự như vậy, trẻ tự kỷ cũng có biểu hiện đặc trưng bằng sự mất phối hợp giữa nhận thức và cảm xúc, ở đây “ hệ thống hoá” nhận thức đóng vai trò chủ đạo còn xử lý thấu cảm thì kém hơn ( Baron-Cohen, 2003). Sự mất phối hợp này đặc biệt thấy rõ trong hình ảnh về não của những người bị tự kỷ khi thực hiện một nhiệm vụ ghi nhận cảm xúc, những vùng não liên quan đến xử lý nhận thức ( như là thùy thái dương) cho thấy có gia tăng hoạt hoá trong khi đó những vùng não xử lý cảm xúc ( như là hạnh nhân) cho thấy giảm hoạt hoá ( Baron-Cohen và cộng sự, 1999).