Học thuyết của Erikson

 Erik Erikson (1902-1994)

TÂM LÝ HỌC CÁI TÔI (Ego psychology)

                                                                         BS.Phan Thiệu Xuân Giang

Làm một chỉnh sửa lớn trong học thuyết cổ điển bằng cách cho rằng ego khởi đầu được phú cho chính năng lượng của nó và có thể thực hiện chức năng một cách tự động hơn là trở thành một tác nhân phục vụ cho cái id. Các nhà tâm lý cái tôi như Erikson(1950) nhấn mạnh đến định hướng thực tế, các chức năng đáp ứng của bộ máy tinh thần. Ngoài ra, Erikson còn mở rộng bối cảnh qua lại giữa các cá nhân trong quá trình phát triển từ gia đình hạt nhân cho đến xã hội lớn hơn.

Nói một cách  ngắn gọn, mô hình phát triển của Erikson tập trung vào các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội, mô hình này song song gần với các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục của Freud. Mỗi giai đoạn này biểu hiện một khủng hoảng, một giải pháp làm cá thể đó đứng trên quỹ đạo phát triển đặc trưng trong giai đoạn.

Erik Erikson là một nhà phân tâm, người sáng tạo ra một học thuyết khởi đầu và có tầm ảnh hưởng cao đối với sự phát triển tâm lý xã hội và khủng hoảng xảy ra trong những thời kỳ trải dài suốt toàn bộ cuộc đời. Học thuyết của ông phát triển từ công việc đầu tiên ông làm là một thầy giáo, sau đó là một nhà phân tâm trẻ em, rồi một nhân viên làm trong lãnh vực nhân chủng học và cuối cùng là một người viết tiểu sử. Khác với việc khởi đầu ở hệ thần kinh trung ương của cá thể như Sigmund Freud đã làm, Erikson tập trung vào giới hạn giữa trẻ và môi trường và sau đó minh hoạ sự tiến hoá của sự trưởng thành các mối liên hệ của cái tôi với một thế giới xã hội rộng lớn. Erikson xác định các vấn đề khó khăn hoặc tính phân cực trong những mối liên hệ của cái tôi với gia đình, xã hội lớn hơn ở những thời điểm nút như giai đoạn tuổi nhỏ, tuổi vị thành niên, giai đoạn đầu của trưởng thành, giai đoạn trung niên và tuổi già. Erik Homburger Erikson sinh ngày 15 tháng 6 năm 1902 tại Karlsruhe, Đức. Ông mất năm 1994. Cha mẹ của ông đã chia tay với nhau trước khi ông được sinh ra, ông lớn lên ở tại nhà của mẹ và cha kế là Theodore Homburger là một bác sĩ nhi khoa, ông chưa bao giờ biết được nhân dạng cha đẻ của mình, mẹ ông đã dấu kín thông tin đó trong suốt cuộc đời ông. Ông nhập cư vào Mỹ năm 1933, làm việc tại trung tâm Austen Riggs ở Stockbridge, Massachusetts và làm nghiên cứu tại đại học Harvard, đại học Yale và đại học California ở Berkeley. Năm 1950 ông xuất bản cuốn: “thời ấu thơ và xã hội”, ông trình bày một học thuyết tâm lý xã hội về phát triển, ông mô tả các bước quan trọng trong mối quan hệ của một người với thế giới xã hội, dựa vào sự tương tác giữa sinh học và xã hội.

Liên hệ với học thuyết của Freud: Erikson chấp nhận các khái niệm của Freud về phát triển bản năng và tính dục ở trẻ nhỏ. Đối với mỗi giai đoạn tâm lý tính dục của Freud ( ví dụ, giai đoạn miệng, giai đoạn hậu môn, giai đoạn dương vật), Erikson mô tả một vùng tương ứng với một kiểu đặc biệt hay một mô hình hành vi. Vì vậy, vùng miệng đi kèm với hành vi mút hoặc đưa vào; vùng hậu môn đi kèm với việc giữ lại hoặc cho đi ra. Erikson nhấn mạnh rằng sự phát triển của cái tôi không phải chỉ là kết quả của những ham muốn bên trong tinh thần hoặc các năng lượng tinh thần, nó là chất liệu của sự điều chỉnh qua lại giữa sự phát triển của trẻ và một nền văn hoá của xã hội và các truyền thống.

Nguyên lý biểu sinh ( Epigenetic principle):  Công thức của Erikson dựa vào khái niệm biểu sinh, một thuật ngữ mượn từ phôi học . Nguyên lý biểu sinh cho rằng sự phát triển xảy ra theo thứ tự, các giai đoạn được định nghĩa rõ ràng, mỗi giai đoạn phải được giải quyết một cách hài lòng để quá trình phát triển tiến bộ một cách trôi chảy. Theo phương thức biểu sinh, nếu giải quyết thành công một giai đoạn đặc biệt nào đó không xảy ra , thì tất cả các giai đoạn kế tiếp có biểu hiện thất bại theo dạng điều chỉnh sai lệch về thể chất, nhận thức, xã hội và cảm xúc.

Khái niệm của Erikson về 8 giai đoạn của phát triển cái tôi trong suốt chu kỳ sống là tâm điểm của công trình trong cuộc đời của ông.

Giai đoạn 1: ( từ mới sanh đến 18 tháng):  Lòng tin cơ bản và mất lòng tin: Miệng của trẻ nhỏ hình thành nền tảng về phương thức ban đầu  hay kiểu hành vi về chính nó, đó là sự thống nhất lại. Trẻ nhũ nhi tiếp xúc với thế giới qua miệng, mắt, tai và xúc giác. Trẻ nhỏ học một phương thức văn hoá mà Erikson gọi là “ có được” tức là nhận được điều trẻ được cho và gợi ra được điều mong muốn. Khi trẻ mọc răng và trẻ khám phá được niềm vui thích khi biết cắn, trẻ bước vào giai đoạn miệng thứ hai, đây là phương thức thống nhất chủ động. Trẻ không nhận các kích thích một cách thụ động nữa; trẻ tìm kiếm cảm giác và cầm nắm lấy những vật xung quanh trẻ. Phương thức xã hội chuyển đến một mức được gọi là : lấy và giữ các vật.

Sự phát triển về lòng tin cơ bản trong thế giới xuất phát từ kinh nghiệm sớm nhất của trẻ với mẹ hay người chăm sóc đầu đời. Lòng tin không chỉ tuỳ thuộc vào chất lượng thức ăn hoặc những biểu hiện về tình cảm mà còn tuỳ thuộc vào chất lượng của mối quan hệ của mẹ. Một trẻ có mẹ là người có thể tiên đoán được và đáp ứng với nhu cầu của trẻ với một cách thức tương ứng và đúng thời điểm, trẻ này sẽ học được việc dung nạp những khó chịu và thiếu thốn chăm sóc trong những thời điểm không thể tránh khỏi.

Khi lòng tin cơ bản sẽ vượt trội hơn mất lòng tin, hy vọng sẽ kết tinh.Đối với Erikson, yếu tố xã hội tương ứng với giai đoạn này về nhân dạng cái tôi là tôn giáo.

Trong suốt năm đầu đời, chất lượng của môi trường chăm sóc góp phần vào các cảm nhận của trẻ về thế giới là nơi hoặc an toàn và yêu thương hoặc là nơi thất vọng và nguy hiểm. Đây là cuộc khủng hoảng về lòng tin với mất lòng tin ( Basic trust versus mistrust). Một người có xáo trộn nặng trong mối quan hệ đầu đời sẽ không phát triển được một cảm nhận cơ bản về lòng tin hoặc đức tính biết hy vọng, điều này có thể dẫn đến khi lớn lên người đó sẽ có tính rút lui nặng và đặc tính thoái triển của tâm thần phân liệt. Erikson đặt giả thuyết rằng bệnh nhân bị trầm cảm có trải nghiệm trống trải,cho rằng mình không tốt là một sản phẩm tự nhiên của sự phát triển sai lệch.

Giai đoạn 2: Tự lập với xấu hổ ( từ khoảng 18 tháng đến 3 tuổi):

Trong giai đoạn phát triển về âm ngữ, kiểm soát cơ bắp và cơ vòng, trẻ nhỏ thực hành các phương thức xã hội như giữ lại và cho đi và trẻ trải nghiệm những hào hứng đầu tiên gọi là ý chí. Điều này phụ thuộc vào số lượng và kiểu kiểm soát của người lớn trên trẻ. Kiểm soát được thực hiện quá cứng ngắc và  quá sớm sẽ đánh bại những cố gắng của trẻ nhằm phát triển những kiểm soát của chính mình và đưa đến kết quả thoái lùi hoặc tiến triển sai lệch. Kiểm soát của cha mẹ không thể bảo vệ được trẻ thoát khỏi hậu quả về sự thiếu khả năng tự kiểm soát hay điều chỉnh có thể tai hại ngang bằng đối với sự phát triển của trẻ về cảm nhận khoẻ mạnh về tính tự lập. Cảm nhận về tính tự lập nuôi dưỡng trẻ và bổ trợ khi cuộc sống tiến triển, có nhiệm vụ bảo tồn đời sống chính trị và kinh tế về một cảm nhận tính công bằng.

Người bị cắm chốt ở giai đoạn chuyển đổi giữa phát triển tính hy vọng và ý chí tự lập, do còn tồn đọng lại việc mất lòng tin và nghi ngờ, người này có thể phát triển các nỗi sợ nghi ngờ về việc bị theo dõi. Khi sự phát triển tâm lý xã hội bị sai lệch trong giai đoạn 2, các dạng tâm bệnh khác có thể  xuất hiện. Tính hoàn hảo, tính không linh hoạt và tính chi li keo kiệt ở người có rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế có thể xuất phát từ những khuynh hướng xung đột đối với việc giữ lại và cho đi. Hành vi suy tư và ám ảnh của người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể là kết quả của tính nghi ngờ chiến thắng được tính tự lập và phát triển kế tiếp theo của một lương tâm khắt khe nguyên sơ.

Trong năm thứ hai-thứ ba, những xung đột với người chăm sóc qua những vấn đề cảm xúc  như là huấn luyện đi toilet có thể làm cho trẻ phát triển một cảm nhận về bản thân như tự hào hay tự nghi ngờ; đây là cuộc khủng hoảng về tự lập và xấu hổ (Autonomy versus shame).

Giai đoạn 3: Khởi đầu với tội lỗi ( Khoảng từ 3-5 tuổi):

Việc  gia tăng khả năng làm chủ vận động và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ mở rộng ra sự tiên đoán của trẻ về thế giới bên ngoài và kích thích các huyễn tưởng quyền năng về khám phá và chinh phục rộng lớn hơn. Ở đây, phương thức tiên đoán của trẻ có tính chủ động và xâm lấn; phương thức xã hội được thực hiện theo cách đó. Tính xâm lấn được biểu hiện trong sự tò mò nhiệt tình của trẻ và những bận tâm về bộ phận sinh dục, tính cạnh tranh, sự gây hấn về thể chất. Mặc cảm Oedipus theo đà phát triển khi trẻ cạnh tranh với cha mẹ cùng giới với mình vì muốn sở hữu về cha mẹ khác giới đã được huyễn tưởng hoá. Sự ghen tị và tranh đua đi đến một đỉnh điểm trong cuộc tranh giành cuối cùng để có được vị trí ưu ái với một trong hai cha mẹ: thất bại không thể tránh khỏi và cần thiết dẫn đến tội lỗi và lo âu.

Tội lỗi xuất hiện trên ham muốn chinh phục và lo âu xuất hiện do sự trừng phạt được tiên đoán, cả hai đều  dịu bớt đi ở trẻ qua việc dồn nén các ước muốn bị cấm đoán và phát triển một cái siêu tôi nhằm điều chỉnh tính khởi đầu của trẻ. Lương tâm, các bộ phận tự quan sát, tự điều chỉnh, tự trừng phạt, là bản sao được nội hoá từ thẩm quyền của cha mẹ và xã hội. Khởi đầu, lương tâm có tính khắt khe và không thoả hiệp. Tuy nhiên nó là nền tảng cho sự phát triển kế tiếp về đạo đức.

Khi có một giải pháp không đầy đủ về xung đột giữa khởi đầu và tội lỗi, một người cuối cùng có thể phát triển thành rối loạn chuyển dạng, ức chế hoặc ám sợ. Những đối tượng có bù trừ quá mức đối với xung đột bằng cách điều chỉnh mình quá khắt khe có thể có trải nghiệm stress nhiều đủ để tạo ra các triệu chứng tâm thể.

Vào năm thứ tư và thứ năm, cách mà mặc cảm Oedipus được giải quyết có thể góp phần vào sự thoải mái của trẻ với chính những xung động hay theo cách khác trẻ  cảm nhận rằng cơ bản chúng là “ xấu” vì có những ham muốn như vậy. Đây là cuộc khủng hoảng về sự khởi đầu với tội lỗi ( Initiative versus guilt). Ở tuổi lên 6, trẻ bắt đầu đối diện với những nhiệm vụ ở trường học và xã hội hoá với bạn bè, góp phần cho cảm nhận về sự thành thạo hay thiếu đầy đủ; đây là cuộc khủng hoảng của sự cần cù với sự tự ti ( industry versus inferiority). Giai đoạn cuối cùng của Erikson là giai đoạn ở tuổi vị thành niên, nhiệm vụ của giai đoạn này là tạo ra một cảm nhận rõ ràng về nhân dạng và một mục tiêu trong cuộc đời. Đây là cuộc khủng hoảng về nhân dạng với nhầm lẫn vai trò (Ego identity versus role confusion). Thực ra các giai đoạn phát triển của Erikson còn kéo dài đến tuổi già các giai đoạn sau là mật thiết (Intimacy versus Isolation), củng cố nghề nghiệp (Career consolidation versus Self-absorption): củng cố nghề nghiệp liên quan đến việc chuyển dạng những bận tâm về bản thân , sự tận tuỵ với những ham thích của tuổi vị thành niên, tìm kiếm “danh vọng hão” thành một vai trò đặc biệt có giá trị cho cả bản thân lẫn xã hội. Định dạng nghề nghiệp ( career identification) có 4 đặc điểm: tận tuỵ ( commitment), bù đắp (Compensation), mãn nguyện (Contentment) và thành thạo (Competence). Bốn từ này giúp ta phân biệt nghề nghiệp ( Career) với công việc (Job). Sáng tạo ( Generativity versus Stagnation: trì trệ): những người sau khi đi qua giai đoạn củng cố nghề nghiệp và thấy chính bản thân mình có năng lực chăm sóc, có khả năng làm việc, củng cố và hướng dẫn thế hệ kế tiếp, đức tính ở giai đoạn này là chăm sóc.  Người giữ lại ý nghĩa (Keeper of the meaning versus Rigidity: cứng ngắc), liên quan đến việc không thiên vị, ít tiếp cận theo cách riêng tư cá nhân với người khác, đức tính của con người trong giai đoạn này là sự khôn ngoan . Cuối cùng là tính nguyên vẹn ( Integrity versus Despair: thất vọng), đây không có nghĩa là đã làm chủ được tất cả các giai đoạn trước đó. Nhiệm vụ của tính nguyên vẹn có thể được định nghĩa là tuổi già thành công ( successful aging): một quá trình phản ánh sự đáp ứng có hiệu quả đối với những thay đổi, bệnh tật, và sự mất cân bằng của môi trường. Ở giai đoạn cuối của cuộc đời, con người phải đối mặt với sự suy tàn và khuyết tật ( bị bệnh, già yếu, không làm việc như trước đây, gia đình con cái thay đổi, cô đơn …).  Cuối cùng nói một cách thẳng thừng, tuổi già thành công có ý nghĩa là làm chủ được sự suy tàn.

Hãy làm một so sánh với văn hoá phương Đông, khoảng 3000 năm về trước Khổng Tử đã nói về chu kỳ sống bằng một đoạn rất nổi tiếng trong Luận ngữ: “ Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Tạm dịch: Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên chú vào việc học ( giai đoạn ego identity: xác định nhân dạng và mục tiêu trong cuộc đời), ba mươi tuổi mới tự lập ( giai đoạn: củng cố nghề nghiệp: career consolidation), bốn mươi tuổi không nghi hoặc điều gì, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kinh nghiệm và kiến thức hoàn hảo để có thể phán đoán được ngay mọi sự lý và nhân vật mà không thấy có điều gì chướng ngại khi nghe được ( Đây là sự khôn ngoan, là đức tính trong giai đoạn người giữ lại ý nghĩa của Erikson), bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm đúng theo ý muốn của lòng mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý ( Đây  có thể nằm trong giai đoạn biết đáp ứng mà không mất cân bằng: tính thống nhất, nguyên vẹn: Integrity) 

Học thuyết gắn bó của John Bowlby