Vùng hải mã và chức năng trí nhớ

VÙNG  HẢI MÃ VÀ CHỨC NĂNG TRÍ NHỚ TRONG STRESS                                                                            BS.Phan Thiệu Xuân Giang

Vùng hải mã liên quan đến việc dự trữ những thông tin cảm giác khác nhau và rất nhạy cảm với hoạt hoá “ stress” . Hải mã có vai trò quan trọng trong việc giữ và gợi lại  trí nhớ về cảm xúc và nhận thức . Bất kỳ tình trạng cảm xúc nào có liên quan đến cảnh giác hay đe doạ đều có thể thay đổi chức năng của hải mã, thay đổi hiệu quả và bản chất của việc giữ và gợi lại thông tin. Đe doạ làm thay đổi khả năng giữ lại một số kiểu thông tin nhận thức của hải mã và những vùng vỏ não có nối kết với ( thông tin nhận thức qua lời nói chẳng hạn) nhưng lại không ảnh hưởng đến việc giữ lại những thông tin khác ( ví dụ thông tin không qua lời nói).

Các tín hiệu nội tiết tố ảnh hưởng đến các thụ thể ở các nhân cortioid khác nhau trong trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận, các sự kiện gây stress như là bị cách ly chẳng hạn làm gia tăng hoạt động của trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận. Hải mã, hạnh nhân và vỏ não tiền trán giữa là các cấu trúc viền, đó là đích đến của các steroid thượng thận. Glucocorticoid có thể làm độc tố thần kinh gây hủy hoại hải mã và ức chế sự sinh sản thần kinh ( McEwen, 2001; Saposky,2000). Tiếp xúc với stress dẫn đến việc giải phóng nội tiết tốt phóng thích hướng vỏ thượng thận ( CRH: Corticotrophin-releasing hormon), nội tiết tố hướng vỏ thượng thận ( ACTH) và cortisol thông qua sự hoạt hoá trục hạ đồi tuyến yên-thượng thận. Tiếp xúc như vậy có thể thúc đẩy sự đề kháng một phần đối với việc ức chế phản hồi sự phóng thích cortisol cùng với việc gia tăng tiếp theo sau đó mức cortisol trong huyết tương và giảm đi các thụ thể glucocorticoid. Các thụ thể glucocorticoid hiện diện trong não với đậm độ cao ở các vùng liên quan đến stress và lo âu như là hạ đồi, hải mã, các tế bào thuộc hệ thống serotonergic và noradrenegic. Dựa vào các nghiên cứu trên động vật, người ta thấy có sự xuất hiện corticoid khoáng ( Mineralcorticoid) cao ở những vùng thuộc hệ viền như hải mã, vách và hạnh nhân.

Các nghiên cứu ở động vật gợi ý rằng stress được trải nghiệm trong những năm quan trọng của quá trình phát triển có ảnh hưởng lâu dài trên trục hạ đồi tuyến yên. Ví dụ, chuột bị stress khi còn sống trong tử cung hoặc bị thiếu vắng chăm sóc từ mẹ có biểu hiện gia tăng nồng độ corticosterone khi tiếp xúc với stress.  Bị stress sớm sau sanh có đi kèm với những thay đổi nồng độ cơ bản của CRH hạ đồi, mRNA, thụ thể glucocorticoid ở hải mã….thêm vào với việc phóng thích các nội tiết tố tạo ra stress như CRH, corticosterone, ACTH. Người lớn bị stress sau sang chấn (PTSD) và động vật linh trưởng có kinh nghiệm khó chịu vào giai đoạn sớm  có biểu hiện gia tăng nồng độ CRH và giảm nồng độ cortisol ở dịch não tủy. Cuối cùng, một số những nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của yếu tố phóng thích hướng vỏ thượng thận ( CRF: Corticotrophin-releasing factor) và tính nhạy cảm của các thụ thể CRF trong việc làm trung gian cho stress ở con người ( Kehne, 2007).