Học thuyết phát triển nhận thức của Piaget

PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

                                                    BS. Phan Thiệu Xuân Giang

Người nghiên cứu về phát triển nhận thức ở trẻ là Piaget.(1967) Trong 2 năm đầu đời là giai đoạn vận động cảm giác được gọi như thế bởi vì phương tiện để hiểu biết là cảm giác và vận động. Khi trẻ được tiếp xúc với một đồ vật mới ví dụ như chiếc lục lạc, trẻ nhỏ có thể xác định tính chất của nó bằng cách đặt chiếc lục lạc vào miệng hay lắc nó, vì không có khả năng biểu tượng hoá trong giai đoạn này, nên trẻ nhỏ phải khám phá và học bằng cách hành động trực tiếp trên môi trường và bằng cách sử dụng cảm giác của trẻ. Một phát triển có ý nghĩa trong giai đoạn này là hằng định đối tượng (object permanence).Trong những tháng đầu đời, trẻ không có biểu hiện cho thấy có khả năng nhận ra sự mất đi của một đối tượng mà trẻ không nhìn thấy hay không giữ trong tay nữa. Vì thế, thế giới chỉ tồn tại khi trẻ hành động trên đối tượng đó hay cảm giác về nó, từ từ trẻ nhận ra rằng đối tượng tồn tại mà không cần đến hành động của trẻ hay cảm nhận của trẻ trên nó-đối tượng tồn tại ở “ngoài kia” như một phần của môi trường, trong khi đó các hành động tồn tại “ ở đây” như là phần của tôi. Điều này cho thấy có một bước nhảy lớn theo hướng tách biệt ra “tôi” và “ không phải tôi”.

Jean Piaget (1896-1980)

Giai đoạn tiền thao tác kéo dài khoảng từ 2 đến 7 tuổi và đánh dấu bởi sự biểu hiện của các chức năng biểu tượng. Biểu hiện rõ ràng nhất của biểu tượng hoá là ngôn ngữ, ngôn ngữ phát triển nhanh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, trẻ trước khi đến trường có khuynh hướng tin tưởng theo nghĩa đen các điều mà trẻ nhìn thấy, kết quả là, điều gì đó trông khác biệt là phải khác biệt. Piaget gọi đây là sự bảo thủ, trong thí nghiệm người ta thấy khi đổ nước từ một chiếc ly rộng và thấp sang một chiếc ly cao và hẹp, trẻ ở tuổi mẫu giáo cho rằng nước bây giờ có nhiều hơn ở ly mới. Nó nhìn có vẻ nhiều hơn nên nó nhiều hơn. Thiếu sự bảo thủ cũng góp phần vào những niềm tin sai lầm mà chúng ta khám phá ở giai đoạn sớm hơn, ví dụ như niềm tin  chắc chắn của trẻ nhỏ cho rằng bằng cách thay đổi quần áo trẻ có thể thay đổi giới tính! Trẻ em ở giai đoạn tiền thao tác cũng có những ý nghĩ ma thuật (Magical thinking) hay còn gọi là ý nghĩ quyền năng (Omnipotent thinking). Bởi vì sự hiểu biết của trẻ về nguyên nhân còn bị giới hạn. Trẻ có khuynh hướng tự xem mình như là một tác nhân gây ra những sự kiện xung quanh chúng.

Giai đoạn thao tác cụ thể: Kéo dài từ khoảng 7 tuổi đến 11 tuổi. Trẻ có thể hiểu được thế giới theo cách lý luận hơn là tri giác ngây thơ. Trẻ có được ý niệm rằng đối tượng còn duy trì định dạng của chúng mặc dù có sự thay đổi về bề ngoài. Mặc dầu có tính thực tế nhưng suy nghĩ của trẻ vẫn bị buộc chặt vào thực tế cụ thể và gắn với khái niệm “ở đây và bây giờ” (Here and now).

Giai đoạn thao tác chính thức: bắt đầu ở khoảng từ 12 tuổi cho đến trưởng thành. Trong thời kỳ này, trẻ có khả năng khái quát hoá các ý tưởng và cấu trúc các điều trừu tượng. Khả năng đưa ra kết luận từ những giả thuyết hơn là dựa hoàn toàn vào quan sát thực tế, được gọi là suy nghĩ suy diễn-giả thuyết. Trẻ vị thành niên có thể đi bất cứ chỗ nào mà suy nghĩ dẫn dắt chúng đi. Chúng thảo luận, chúng viết, chúng suy ngẫm. Chúng có thể sáng tạo ra triết lý về cuộc đời và giải thích về vũ trụ. Chúng cũng có thể tự phê bình một cách đúng đắn bởi vì trẻ có khả năng phản ảnh và xem xét cẩn thẩn các ý tưởng của mình.

Các quá trình nhận thức và tâm bệnh phát triển:

Sự cân bằng giữa đồng hoá (Assimiliation) và điều ứng (Accomodation).

Đồng hoá: Sự thống nhất thông tin mới vào cấu trúc tinh thần đang có sẵn.

Điều ứng: Sự thay đổi một cấu trúc tinh thần để thu vào thông tin mới.

Sự phát triển bình thường được đặc trưng bởi sự cân bằng giữa đồng hoá và điều ứng. Vấn đề có thể xuất hiện khi đồng hoá và điều ứng có thể loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, loại trừ không sử dụng đồng hoá có thể ngăn cản sự  học các điều mới, làm cho trẻ có những giả định sai lầm và bóp méo thông tin  phù hợp với khái niệm đang hiện diện. Mặt khác, nếu trẻ quá dựa vào sự đồng hoá, trẻ có thể bị lạc trong các huyễn tưởng, cố gắng bẻ cong thế giới theo ước muốn của trẻ. Nếu loại trừ không sử dụng điều ứng có thể làm cho trẻ thay đổi cấu trúc tinh thần liên tục để phù hợp với thông tin mới (không phải là thu nhận thông tin mới), ngược lại nếu trẻ sử dụng điều ứng quá mức có thể sẽ thiếu cảm nhận gắn kết với bản thân.

Suy nghĩ ma thuật:

Một trẻ nữ ở tuổi vị thành niên sẽ không dám nói chuyện vì trẻ đó tin rằng khi nói chuyện thì phân sẽ tràn ra theo đường miệng, hoặc một người nam trẻ tuổi luôn nằm ngửa khi ngủ, anh ta không dám nằm nghiêng vì anh tin rằng nằm nghiêng sẽ biến anh ta thành một phụ nữ, các dấu hiệu trên đều được cho rằng có vấn đề về tâm bệnh lý bởi vì họ được thuyết phục rằng họ có thể gây ra các sự kiện đó mà trong thực tế nó nằm ngoài sự kiểm soát của họ.

Trong quá trình phát triển bình thường, ý nghĩ ma thuật hay quyền năng bắt đầu mở đường cho ý tưởng logic xảy ra ở giai đoạn giữa của tuổi nhỏ ( khoảng từ 6-7 tuổi), sự tồn tại của ý nghĩ tiền thao tác có thể thấy ở trẻ bị chậm phát triển hoặc trẻ phải trải qua  sự thoái lùi do stress gây sang chấn. Ý nghĩ quyền năng là vấn đề đặc biệt đối với những trẻ bị sang chấn, các trẻ này qui kết một cách sai lầm cho chính chúng là nguyên nhân và tự trách đối với việc bị lạm dụng của chúng.

Tính duy kỷ (Egocentrism): Piaget định nghĩa tính duy kỷ như là nghĩ về thế giới vật chất và thế giới xã hội theo quan điểm độc nhất của chính mình. Kết quả là các đặc tính của bản thân được dùng để định nghĩa hay diễn dịch các đặc tính của đối tượng trong môi trường: Tôi bị nhầm lẫn với cái không phải là tôi.

Suy nghĩ duy kỷ xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển nhận thức. Trẻ nhũ nhi tin rằng sự tồn tại của mỗi đối tượng tuỳ thuộc vào hành động của trẻ. Đối với trẻ trước khi đến trường, tính duy kỷ có một hậu quả xã hội quan trọng đó là trẻ bị ngăn chặn lại trong việc hiểu được rằng mỗi người có quan điểm riêng của chính mình. Khả năng xem xét tình huống giống nhau từ những quan điểm  khác nhau-ví dụ như: để xem một khoảng thời gian trong lớp học có xảy ra sự gian lận thi cử từ quan điểm của học sinh gian lận, học sinh bị áp lực phải giúp học sinh khác gian lận, thầy cô giáo có trách nhiệm trong việc áp dụng nội qui cho lớp, những điều này cho thấy có một bước lớn trong các tương tác xã hội có hợp tác.

Khía cạnh xã hội có các giai đoạn tiến triển của chính nó, ví dụ như: trẻ từ 3-6 tuổi hiếm khi thừa nhận rằng người khác có thể diễn dịch được tình huống tương tự theo một cách khác biệt với cách mà trẻ diễn dịch, ngược lại trẻ từ 7-12 tuổi có thể xem ý tưởng, cảm xúc và hành vi của chúng từ những quan điểm của người khác và ghi nhận rằng người khác có thể làm theo cách tương tự như chúng.

Tính duy kỷ cũng có thể xuất hiện trong những giai đoạn chuyển tiếp, ví dụ trong giai đoạn tuổi vị thành niên là thời gian có sự chuyển tiếp về nhận thức xảy ra, lúc này các cách thức suy nghĩ nguyên sơ cũng có khuynh hướng tái xuất hiện. Một khía cạnh của tính duy kỷ có thể được biểu hiện như là tự ý thức ( self-consciousness) : Một người nào đó cười lớn trên xe bus trong khi có một trẻ vị thành niên đang loay hoay tìm vé xe trong túi, trẻ này chắc chắn nghĩ rằng mình bị cười. Một khía cạnh khác ở tính duy kỷ của trẻ vị thành niên là niềm tin rằng ý tưởng một ngày nào đó sẽ chiến thắng và ý tưởng của trẻ là chìa khoá để giải quyết vấn đề của thế giới, nếu thế giới biết lắng nghe!

Chậm trễ về nhận thức và thất bại ở trường học:

Trong khi các thao tác chính thức được xem như là đặc tính của tuổi vị thành niên, không phải tất cả các trẻ đều đạt được khả năng lý luận trong giai đoạn này. Thực ra, trẻ có chậm trễ về nhận thức nặng nề thậm chí không thể tiến bộ đến giai đoạn thao tác cụ thể được. Cũng có những trẻ bị khhuyết tật về học tập với nhiều kiểu khác nhau làm ngăn chặn khả năng có được tiềm năng và đạt được kết quả ở trường học. Mức độ chung về chức năng nhận thức của trẻ có ngụ ý quan trọng đối với chức năng của trẻ trong suốt quá trình phát triển. Thất bại ở trường học được nhắc đến nhiều trong các cuộc thảo luận về tâm bệnh học. Cả hai điều: tội phạm và tâm thần phân liệt ở tương lai có thể được mô tả như là trẻ có những biểu hiện phá vỡ, không chú ý trong lớp học theo những cách khác nhau, ví dụ: trẻ thất bại trong học tập là một yếu tố quan trọng trong việc xác định vấn đề nghiện thuốc ở tuổi vị thành niên.

Bóp méo nhận thức:

Trong khi giải quyết các vấn đề xã hội, trẻ phải trải qua nhiều bước : Mã hoá các tín hiệu xã hội , diễn giải các tín hiệu này, tìm kiếm các đáp ứng có thể, quyết định các đáp ứng nào được thực hiện, cuối cùng hành động theo đáp ứng đó. Bước thứ hai trong việc diễn giải các tín hiệu liên quan đến quá trình tâm lý quan trọng được gọi là sự quy kết. Quy kết là sự suy ra về nguyên nhân của hành vi. Ở trẻ bị xáo trộn tâm lý, quá trình nhận thức bị bóp méo hoặc suy kém. Ví dụ như trẻ có hành vi gây hấn có ý quy kết các hành vi của người khác gây hại cho mình cho dù các hành vi này là tốt lành và ngẫu nhiên.Sự đánh giá méo mó này được gọi là một khuynh hướng quy kết thù hằn.