Stress và não bộ

 

                                                              STRESS VÀ NÃO BỘ

 

                                                                          BS. Phan Thiệu Xuân Giang

 Có nhiều nghiên cứu về y học và tâm lý cho thấy rằng rất nhiều trường hợp đến khám bệnh tại phòng mạch của bác sĩ là các vấn đề có liên quan đến tâm lý và thường biểu hiện dưới tình trạng stress cấp tính hay kéo dài .

Stress là một quá trình bình thường của cơ thể dùng để đánh giá và cố gắng đối mặt với các đe doạ về cảm xúc và các thử thách trong cuộc sống.

Các yếu tố gây stress- hay các sự kiện và tình huống- thường bị quy lỗi bởi vì do ảnh hưởng không thoải mái của stress, ví dụ : Tôi bị như thế này là do người đó gây ra, có quá nhiều việc làm tôi đau đầu, tôi mất ăn mất ngủ vì tại sao người ta cứ làm như thế trong cơ quan của tôi, tôi bực mình vì thằng con tôi nó không nghe lời tôi…Nhưng chúng ta có thể cảm nhận stress như là một trải nghiệm ( thừa nhận, sống chung, hướng giải quyết) hay là một thử thách(phải chịu đựng). Stress thông thường có tác dụng bảo vệ cơ thể trong thời gian bị đe doạ, ví dụ: Bạn gặp tình huống nguy hiểm tim bạn sẽ đập nhanh, cơ bắp co thắt lại, đường huyết gia tăng, huyết áp gia tăng để giúp bạn đối phó hoặc chạy thoát khỏi nguy hiểm đó , tuy nhiên nếu stress kéo dài nó có thể âm thầm phá huỷ cơ thể, bao gồm cả não bộ ví dụ : bạn không giải quyết được một xung đột, xung đột này làm bạn căng thẳng, ăn không ngon ngủ không yên, cơ thể bạn sẽ phải chịu đựng một tình trạng như thế kéo dài , hệ thần kinh sẽ mệt mỏi, sức đề kháng của cơ thể sẽ suy kém và bệnh tật dễ phát sinh.

Khi một tình huống stress xảy ra, cơ thể phản ứng bằng các gia tăng các nội tiết tố ( hormone) ( các hormone như : Adrenaline, norepinephrine, cortisol), các hormone này làm gia tăng nhịp tim và nhịp thở, gởi lượng máu nhiều hơn đến cơ xương, kích thích hệ miễn dịch, chuyển đổi đường và mỡ trong cơ thể thành năng lượng.

Cơ thể và tâm trí có khả năng đáp ứng với stress, trong hầu hết các trường hợp, đáp ứng xảy ra trong một khoảng thời gian giới hạn để nhằm trợ giúp cá thể đó đương đầu với một tình huống stress đặc hiệu, rồi sau đó cơ thể trở về trạng thái bình thường là trạng thái không bị stress. Đáp ứng với stress rất khác nhau ở mỗi người, tuỳ theo kinh nghiệm và nhân cách của người đó, cóthể trong tình huống này, người này bị stress nhiều nhưng người khác lại bị ít hay không bị.

Tuy nhiên, đôi khi sự hiện diện của những yếu tố gây stress vẫn còn duy trì như : bị lạm dụng, đấu đá, áp lực không thực tế ( lo xa thái quá ), các bệnh lý , các tình huống gây tức giận… có thể có ảnh hưởng gây huỷ hoại một cách rõ rệt trên cơ thể và não bộ. Các nhà nghiên cứu như tác giả Robert Sapolsky ở đại học Stanford, Hoa Kỳ, nghiên cứu về sức khoẻ và stress và báo cáo rằng : Một sự tràn ngập kéo dài của các hormone stress có thể làm cho một vài vùng não bị teo nhỏ lại, đặc biệt là vùng hải mã ( Hyppocampus). Một vai trò chính yếu của vùng hải mã là trí nhớ. Do đó một người bị stress kéo dài thường khai rằng mình hay quên và khó khăn trong học tập. Một khám phá mang lại nhiều hy vọng là nếu đáp ứng với stress được đảo ngược, tức là đối tượng giải quyết được vấn đề, xử trí được stress, môi trường an toàn hơn thì các vùng não này có thể hồi phục. Vì thế, các thảm hoạ ( thiên tai, tai nạn hàng loạt…), các thay đổi trong đời sống ( mất người thân, bản thân bị bệnh, có người trong gia đình bị bệnh, thay đổi nghề nghiệp, thất nghiệp, về hưu…) đều có thể tạo ra một phản ứng stress, đây là một phần trong đời sống của mọi người. Vậy thì một cách tương đối chúng ta không thể tránh được các yếu tố gây stress bởi vì chúng là một phần của đời sống chúng ta, quan trọng là chúng ta có thể học được cách thức diễn giải và kiểm soát các yếu tố gây stress.

Ví dụ: Lũ đến rồi, sợ lắm, tôi không thích lũ tí nào→ Khó chịu→Stress

           Lũ đến rồi, vùng này là vùng lũ mà, chuẩn bị tinh thần, dụng cụ, đồ đạc, học hỏi kinh nghiệm→Sống chung với lũ

ĐỐI MẶT VỚI STRESS:

-Tập thể thao để làm gia tăng sức mạnh của cơ thể :

 Có thể làm giảm đi các khó chịu về stress, giảm trầm cảm và lo âu . Các nghiên cứu khoa học đều chứng minh rằng có mối liên hệ giữa các bài tập thể chất và khí sắc ( tình trạng cảm xúc) của con người. Luyện tập thể chất thúc đẩy sự tỉnh táo và thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Các điều kiện này giúp cơ thể hồi phục từ các đáp ứng do stress mang lại.

-Thư giãn:

Qua các hình thức như thiền định, phản hồi sinh học ( Biofeedback), các hoạt động khác nhau như : yoga, thái cực quyền, võ dưỡng sinh… đều làm giảm huyết áp, nhịp thở chậm hơn, giảm quá trình chuyển hoá và giảm căng cơ, các hoạt động này đều có tác dụng làm giảm  ảnh hưởng có hại của stress.

-Tiếp xúc xã hội:

Bạn bè, mối quan hệ gia đình có thể giúp đỡ bằng cách tạo ra sự tin cậy có cảm xúc, sự trợ giúp, sự thoải mái, thư giãn. Thậm chí chăm sóc một con vật nuôi,chơi đùa với trẻ em cũng có thể cho bạn cảm xúcdễchịuvàgiúpgiảm stress.

-Thái độ của chúng ta, sự tự tin, khả năng giải quyết vấn đề theo hướng tích cực và cân bằng cho phép chúng ta bẻ vỡ được chu trình đáp ứng của stress ngay ở hiện tại và có hướng tích cực ở tương lai, thay vì để cho stress duy trì và thành mãn tính.

-Lối sống khoẻ mạnh :

 Không hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu, dinh dưỡng cân bằng và kiểm soát được cân nặng, thong thả hơn, giành thời gian để tiếp xúc với thiên nhiên : Tiếp xúc và cảm nhận thiên nhiên trực tiếp bằng giác quan, không để các suy nghĩ, bận rộn công việc chen vào: Đi biển, chơi đùa trên cát, nghe tiếng sóng biển, thăm đồng lúa, ngửi mùi thơm của bông hoa….thúc đẩy một cảm giác bình an và kiểm soát được cuộc sống.

Stress thường liên quan đến lo âu được tạo ra do một cảm nhận về điều gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát.