Các yếu tố sinh học thần kinh liên quan đến lo âu

Các yếu tố sinh học thần kinh liên quan đến lo âu

                                                                                              BS. Phan Thiệu Xuân Giang

 Các bằng chứng bắt đầu cho thấy có các quá trình sinh học thần kinh liên quan đến việc dễ phát triển thành rối loạn lo âu (Salle & March, 2001). Trong thời điểm sợ hãi, các nội tiết tố stress được phóng thích và dẫn đến việc gia tăng tính kích thích của trục hạ đồi-tuyến yên-tuỷ thượng thận là chu trình của não liên quan đến sợ hãi. Khi những chu trình này bị kích thích thường xuyên, trẻ phát triển một tình trạng gia tăng nhạy cảm với lo âu. HỆ THỐNG HÀNH VI TIẾP CẬN (behavioural approach system)(BAS) và HỆ THỐNG HÀNH VI ỨC CHẾ ( behavioural inhibition system)(BIS) là điểm khởi đầu để hiểu được cấu trúc của hệ thần kinh liên quan đến đáp ứng lo âu. BAS bao gồm các cấu trúc của não liên quan đến HÀNH VI TIẾP CẬN, các cấu trúc này bao gồm các phần của hạch nền (Basal Ganglia) có liên quan đến hệ thống hoá chất thần kinh Dopamine, các vùng vỏ não: vận động, cảm giác vận động và vỏ não trán trước. BIS bao gồm các đường phóng chiếu qua các sợi noradrenergic của nhân lục ( Locus Coeruleus) và các sợi Serotonin từ median raphe. Hệ thống hành vi ức chế có tầm quan trọng trong kinh nghiệm lo âu, hệ này đáp ứng với cả những điều mới lạ và những đe doạ trừng phạt kể cả trong thực tế hay do cảm nhận. Hoạt hoá hệ BIS xảy ra khi tiếp xúc với trừng phạt, các kích thích mới mẻ và nỗi sợ bẩm sinh dẫn đến ức chế các hành vi tiếp cận. Chức năng phối hợp giữa hệ BAS và BIS là lượng giá các kích thích đi vào ở lãnh vực có thể có lợi hay có thể gây trừng phạt  và hoạt hoá các hành vi tiếp cận hay tránh né theo sau đó. Tiếp cận thường đi kèm với những cảm xúc tích cực và tránh né thường hay đi kèm với cảm xúc tiêu cực.

Những giả thuyết đề cập đến các chu trình của hệ thần kinh trung ương có liên quan đến đáp ứng lo âu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của HẠNH NHÂN (Amygdala). Hạnh nhân là tập hợp các nhân nằm ở phần trước của thuỳ thái dương và có chức năng đánh giá ý nghĩa cảm xúc của những kích thích đi vào sau khi nhận được thông tin tương ứng phóng chiếu từ vỏ não, hải mã và đồi thị. Lần lượt, hạnh nhân phóng chiếu đến các hệ thống đáp ứng lo âu tương ứng  khác ở vỏ não trán ( chọn lựa hành vi), hải mã ( củng cố trí nhớ) , thể vân ( tiếp cận/ tránh né), hạ đồi và thân não ( đáp ứng thần kinh thực vật, giật mình, đáp ứng corticosteroid). Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng không có cấu trúc đơn nào, hoá chất thần kinh riêng lẻ nào  hoặc đơn thuần một gen nào điều khiển toàn bộ  hệ thống đáp ứng  lo âu. Đây là sự làm việc phức tạp của nhiều hệ thống có liên quan đến nhau để làm xuất hiện cảm xúc lo âu. Như chúng ta đã nói ở trên, cảm xúc tiêu cực là một thành phần quan trọng trong những vấn đề lo âu. Nói về nền tảng cấu trúc của CẢM XÚC TIÊU CỰC, các nghiên cứu về chức năng của não gợi ý rằng sự đánh giá các đe doạ thường ngày và học tập cảm xúc có thể liên quan đế việc hoạt hoá các bán cầu não khác nhau. Nghiên cứu về điện não đồ cho thấy có sự gia tăng hoạt hoá của vùng thái dương trước và vùng trán trước bên phải trong đáp ứng với cảm xúc tiêu cực và cũng có sự gia tăng hoạt hoá của vùng trán trước bên trái trong việc đáp ứng với cảm xúc tích cực (Davidson,1998). Gia tăng hoạt hoá của vùng trán trước bên trái đi kèm với khả năng kềm chế các đáp ứng giật mình đối với các kích thích tiêu cực, vùng trán trước bên phải ở người lớn có lo âu xã hội và trầm cảm hoạt hoá nhiều hơn so với bên trái. Ở trẻ em tuổi từ 8-11 khi được chẩn đoán là có rối loạn lo âu, người ta cũng thấy những hoạt hoá tương tự ở các vùng não như người lớn có rối loạn này.

Ngoài ra,một số chất dẫn truyền thần kinh và các hệ thống dẫn truyền thần kinh cũng có ý nghĩa trong lo âu và các hành vi liên quan đến lo âu. Đặc biệt là cả hai hệ : gamma aminobutyric acid (GABA) và serotonin (5-HT) đã được đặt trọng tâm trong nghiên cứu về lo âu. Sự quan tâm này xuất phát sau những phát hiện rằng các thuốc chống lo âu (Anxiolytic) như là Benzodiazepine và các thuốc ức chế tái hấp thu serotonine có chọn lọc (SSRI) điều chỉnh sự dẫn truyền thần kinh GABA và 5-HT. Hệ thống noradrenergic cũng có ý nghĩa trong rối loạn lo âu, đặc biệt liên quan đến thành phần hoạt hoá thần kinh giao cảm như trong rối loạn hoảng loạn ( Panic disorder)( Gordon & Hen,2004).

Một hệ thống lý thuyết khác cũng quan trọng đó là trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận. Hoạt hoá hệ thống này thường hay biểu hiện phản ứng hồi hộp, không yên trong đáp ứng với stress và sợ hãi. Thời gian đáp ứng kéo dài khoảng vài phút đến hàng giờ. Đáp ứng sợ thường đi kèm với sự gia tăng bài tiết cortisol là một loại nội tiết tố corticosteroid được tạo ra bởi tuỷ thượng thận. Trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận có ý nghĩa trong sinh lý bệnh của rối loạn lo âu. Sự phóng thích coritsol được điều khiển bởi hạ đồi (Hypothalamus), hạ đồi tiết ra nội tiết tố CRH (Corticotropin-releasing-Hormone), CRH kích thích tuyến yên bài tiết ACTH ( Adrenocorticotropic Hormone), nội tiết tố này kích thích vỏ thượng thận bài tiết cortisol. Cortisol giúp điều chỉnh đáp ứng hành vi và cảm xúc thông qua chu trình phản hồi đến tuyến yên và hạ đồi.

Bài tiết cortisol có thể là nền tảng cho các cơ chế bảo vệ khi tiếp xúc với nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tiếp xúc kéo dài với glucocorticoid như cortisol cũng có thể gây độc cho hệ thần kinh và liên quan đến các vấn đề lo âu. Có nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng vùng hải mã (Hyppocampus) ở chuột và loài linh trưởng bị teo nhỏ lại khi được tiếp xúc với các stress  tâm lý hay làm  gia tăng nồng độ glucocorticoid trong máu trực tiếp( Sapolsky,2000).  Trẻ bị ngược đãi có triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và những trẻ được chẩn đoán là PTSD cho thấy có sự mất điều chỉnh mức cortisol ngày đêm. Các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội ( hay ám sợ xã hội) có kèm theo với sự gia tăng hoạt động của cortisol ở những trẻ được gửi đến phòng khám lâm sàng ( Granger, Weisz, & Kauneckis,1994). Hơn nữa, những trẻ đã trải qua các yếu tố gây stress nặng nề hầu như có biểu hiện giảm thể tích của não và sự bất đối xứng ở thuỳ trán, có lẽ do ảnh hưởng bài tiết kéo dài của cortisol. Gần đây, một số tác giả như Carrion, Weems, và Reiss phát hiện rằng nồng độ cortisol có đi kèm với sự thay đổi kích thước của vùng hải mã trong một mẫu nghiên cứu nhỏ ở khoảng 15 trẻ tuổi từ 8-14, những trẻ này được tiếp xúc với yếu tố stress gây sang chấn. Nồng độ cortisol cao hơn có liên quan đến giảm kích thước ở vùng hải mã trong thời kỳ là một năm.  Nghiên cứu về sự ức chế hành vi, một yếu tố nguy cơ đối với rối loạn lo âu ở tuổi thiếu niên cũng có liên hệ giống với sự gia tăng nồng độ cortisol ở trẻ rất nhỏ.

Bằng chứng khác về các yếu tố tâm lý thần kinh đến từ những nghiên cứu về PTSD cho thấy rằng tiếp xúc với mức lo âu quá mức ảnh hưởng đến hoá chất trong não, làm ảnh hưởng đến các nối kết trung gian giữa các neuron, cấu trúc của não và chức năng của não ( De Bellis, 2001).