Các loại tính khí (temperament) của trẻ

*TÍNH KHÍ (Temperament):

Mỗi trẻ được sinh ra có một tính khí đặc biệt- một nhịp điệu đặc trưng, mức độ hoạt động, một trạng thái khí sắc đặc biệt, một khả năng đáp ứng một số những khả năng nhạy cảm, khả năng linh hoạt,sự ưa thích và không thích ( Molfese and Molfese, 2000.)

Tiên phong trong lãnh vực này là Alexander Thomas và Stella Chess ( 1977), họ phân loại tính khí thành 3 kiểu ở trẻ nhỏ:

-Trẻ khó chịu: là trẻ hay quấy khóc, thất thường trong thói quen ăn uống và ngủ, dễ nổi giận, khó dỗ dành.

-Trẻ dễ chịu: là trẻ biểu lộ cảm xúc tích cực, phản ứng một cách nhẹ nhàng với sự khó chịu, dễ dàng dỗ dành.

-Trẻ chậm khởi động: Hay còn gọi là trẻ e thẹn, các trẻ này có mức hoạt động thấp, vào lúc bắt đầu, trẻ có thể có phản ứng tiêu cực với kích thích mới hoặc với thay đổi nhưng sau đó trẻ có vẻ như đáp ứng giống như trẻ dễ chịu.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ em có các vấn đề về tinh thần thường cho thấy có tính khí khó khăn ở giai đoạn nhũ nhi.

Các nhà nghiên cứu khác về tính khí như  Capsi, phân loại tính khí của trẻ thành các loại: phụ thuộc, tính khí bệnh lý hay e thẹn, tính khí phụ thuộc nghe có vẻ tiêu cực nhưng thực ra đó là quá trình bình thường ở trẻ nhỏ. Những nghiên cứu cho thấy rằng có sự tiếp diễn rõ rang của những kiểu tính khí cũng như có sự khác biệt một cách thú vị về giới tính đối với kết quả về sau của những người trưởng thành. Ví dụ, trẻ có tính khí bệnh lý hay đi kèm với sự thù hằn, dễ bị kích thích ở cả nam giới lẫn nữ giới. Đàn ông có tính khí e thẹn thường có khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ trưởng thành, lập gia đình trễ, khó chăm sóc con cái, khó tạo dựng nghề nghiệp, ngược lại phụ nữ có tính khí e thẹn thì lại không có những vấn đề trên đi kèm trong các giai đoạn phát triển, các trẻ nữ e thẹn phát triển thành những phụ nữ trầm lặng, thích yên tĩnh, lối sống nội tâm với những mong đợi rập khuôn cùng với những mong đợi của những phụ nữ trong cùng thời đại của họ.

Sau này, Capsi và cộng sự theo dõi một mẫu trẻ gồm hơn 900 trẻ từ 3 tuổi cho đến 21 tuổi, họ xác định được 5 kiểu tính khí : điều chỉnh tốt, dè dặt, tự tin, ức chế, và kém kiểm soát. Trong 3 kiểu đầu, các đối tượng có biểu hiện các hành vi quan hệ với người khác với sự điều chỉnh tốt. Trẻ có tính khí ức chế, phát triển thành người trưởng thành có mức độ trải nghiệm về trợ giúp xã hội thấp hơn những người khác nhưng vẫn có mối liên hệ thích nghi với bạn tình và đồng nghiệp. Trẻ kém kiểm soát có biểu hiện các vấn đề về điều chỉnh rõ rệt trong các mối quan hệ ở tuổi trưởng thành so với dối tương khác.

Capsi và cộng sự đề ra 2 khái niệm có giá trị:

-Sự tiếp diễn tương tác: Ví dụ: Trẻ trai e thẹn là trẻ nhút nhát và thiếu kỹ năng xã hội, chúng có khuynh hướng bị người khác phớt lờ, không quan tâm và là người cuối cùng được vớt khi đội ngũ được hình thành. Điều này cũng giống như thoả hiệp, qua cách trẻ tương tác với người khác, trẻ gây hứng cho người khác đáp ứng với trẻ theo cách thức làm gia tăng sự e thẹn của trẻ và hậu quả là trẻ muốn rút lui ngày càng nhiều.

-Khái niệm thứ 2 là lịch sử: Mỗi nền văn hoá có một thời điểm lịch sử định nghĩa một số các vai trò mà các cá nhân sống trong thời đó phải hoàn tất, những điều này định ra mức thành thạo của những cá nhân được mong đợi phải có  và định rõ hành vi nào thích hợp để biểu lộ, vì thế sự phát triển cá nhân một phần bị ảnh hưởng bởi người đó dàn xếp những vấn đề do nền văn hoá mang lại vào thời điểm lịch sử mà người đó sống.

Một trong những đóng góp có giá trị nhất của Chess và Thomas cho sự hiểu biết về tâm bệnh học phát triển là quan sát của họ về các đặc điểm tính khí nếu riêng nó không quyết định được kết quả của trẻ, thay vào đó là mức phù hợp giữa trẻ và môi trường sẽ quyết định một quá trình phát triển khoẻ mạnh hay bệnh lý.

Mức độ phù hợp tốt : (Goodness of fit)

Chess và Thomas bị đánh động bởi sự khác biệt của mỗi cá nhân trong mẫu nghiên cứu dọc của họ: Một số trẻ có biểu hiện hằng định trong quá trình phát triển từ tuổi nhũ nhi cho đến tuổi trưởng thành, trong khi đó những cá thể khác lại có biểu hiện hoàn toàn khác biệt so với giai đoạn khởi đầu. Họ đề ra một giải thích được gọi là mức độ phù hợp tốt: Sự ăn khớp giữa kiểu tính khí của trẻ và môi trường đặt lên trẻ. Khi những mong đợi, đòi hỏi và cơ hội từ môi trường ăn khớp với tính khí của cá thể, trẻ có khả năng làm chủ được những thử thách từ môi trường một cách có hiệu quả. Khi có một sự kém phù hợp xảy ra, các đòi hỏi từ môi trường quá mức khả năng của trẻ, các stress xảy ra sau đó dẫn đến một quá trình phát triển không khoẻ mạnh. Chess và Thomas trình bày rằng: Sự phù hợp tốt không hàm ý rằng không có stress hay xung đột xảy ra : hoàn toàn trái ngược lại, stress và xung đột không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển khi mà những mong đợi mới và các đòi hỏi ở mức cao hơn về mặt chức năng xảy ra vào lúc trẻ lớn hơn. Các đòi hỏi, stress, và những xung đột khi chúng tương xứng với tiềm năng phát triển và khả năng kiểm soát của trẻ sẽ được xây dựng tiếp theo sau đó. Vấn đề liên quan đến xáo trộn chức năng là do stress quá mức từ sự kém phù hợp giữa đòi hỏi của môi trường và khả năng của trẻ ở một giai đoạn phát triển nào đó.

Gần đây, nghiên cứu của Rothbart và cộng sự ( 2000) lượng giá một số lãnh vực về tính khí như: đáp ứng tích cực, sợ hãi, bất toại, thời gian chú ý, tiếp cận với kích thích mới, mức độ hoạt động. Họ thấy rằng có một sự tiếp diễn về một số các đặc tính bao gồm sợ hãi, nản lòng, bất toại và tiếp cận trong một thời kỳ 7 năm. Hơn nữa, các thay đổi về tính khí này là những dự báo về tâm bệnh lý. Những sợ hãi ở trẻ nhũ nhi là dự báo về lo âu ở tuổi đến trường, bất toại và giận dữ liên quan đến các vấn đề về hành vi theo kiểu gây hấn và lo âu.

Vì thế, tính khí cung cấp một bẩm tố sinh học qua đó môi trường hoạt động để làm nhẹ đi hay tạo tiềm năng để phát triển thành tâm bệnh lý.