Trẻ chậm phát triển tâm thần (3)

* Những nguồn trợ giúp bên trong và bên ngoài gia đình:

Cha mẹ khá giả thì có khả năng đối mặt tốt hơn cha mẹ nghèo khó, cả hai cha mẹ sẽ đối mặt tốt hơn là một cha hoặc một mẹ, các bà mẹ có cuộc hôn nhân hài hoà sẽ đối mặt tốt hơn những bà mẹ sống đời sống hôn nhân xung đột.

Các nghiên cứu cho thấy rằng cách thức đối mặt có thể khác nhau giữa cha và mẹ, mẹ yêu cầu nhiều về trợ giúp cảm xúc –xã hội hơn cùng với tong tin về tình trang của trẻ, giúp đỡ trong chăm sóc trẻ, trong khi đó cha thì lại quan tâm nhiều hơn về vấn đề tài chánh để chăm sóc trẻ.

* Nhận biết về trẻ:

Các bà mẹ của trẻ chậm phát triển thường hay hướng dẫn, khởi đầu, và lấn át ngôn ngữ của trẻ, các hành vi này được thúc đẩy bởi nhận biết của các bà mẹ rằng trẻ cần được dạy, cùng với sự lo âu về khả năng học nói của trẻ, các bà mẹ có khuynh hướng xâm lấn vào khả năng của trẻ, điều này càng làm gia tăng nguy cơ khó giao tiếp của trẻ. Trong thực tế, có những chương trình can thiệp nhằm giúp đỡ các bà mẹ ít ra lệnh, bắt chước trẻ nhiều hơn, điều này cho phép trẻ đóng môt vai trò chủ động hơn trong học nói.

*Chiều kích phát triển:

Các phản ứng và đáp ứng thành công của cha mẹ đối với việc nuôi dưỡng một trẻ MR có thể thay đổi theo thời gian. Điều này có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.

BỐI CẢNH XÃ HỘI:

Có bằng chứng rằng trẻ chậm phát triển tâm thần thường không được các bạn bè bình thường chấp nhận.

Nhận thức xã hội: Thiếu sự chấp nhận của bạn bè thường làm cho mức thành thạo về xã hội của trẻ chậm phát triển tâm thần thấp hơn. Trẻ chậm phát triển ít có kỹ năng diễn dịch các gợi ý xã hội, ít có chiến lược về xã hội tiến bộ nhằm để đối mặt với các tình huống khó khăn, ít khả năng tham gia vào nhóm và ít biết đáp ứng với các hành vi khiêu khích.

BỐI CẢNH CÁ THỂ:

Sự phát triển trí tuệ của trẻ MR có giống hay khác với sự phát triển ở trẻ có trí thông minh bình thường? đó là : Khác biệt so với vấn đề phát triển

Câu hỏi thứ 2: Những độ lệch đặc hiệu nào nằm ở việc thực hiện chức năng trí tuệ dưới mức bình thường ở trẻ MR?

*Sự khác biệt so với phát triển:

Có 2 quan điểm về bản chất của MR:

-       Suy kém về nhận thức cơ bản đưa đến việc suy nghĩ khác biệt cơ bản so với dân số phát triển bình thường.

-       Suy nghĩ ở người chậm phát triển cũng giống như người có trí thông minh bình thường, khác biệt chỉ nằm ở chỗ phát triển, điều này làm cho sự tiến bộ chậm hơn và đạt được mức cuối cùng thấp hơn.

 

CÁC BIỆN PHÁP CAN THIỆP:

-Giáo dục đặc biệt:

Gíao dục theo:

*chương trình giáo dục theo từng cá nhân (Individualized education program).

*Giáo dục trẻ trong một môi trường ít bị giới hạn nhất ( the least restricted invironment) : tạo điều kiện cho trẻ học tập về chữ và học tập các kỹ năng nghề nghiệp tối đa.

*Trẻ chậm phát triển có thể giáo dục được (Educable mentally retarded) : IQ từ 55-80. Trẻ có thể học được lớp 3, cũng có những trẻ đạt được lớp 6.

*Trẻ chậm phát triển có thể huấn luyện được ( Trainable mentally retarded): Trẻ này có IQ từ 25-55, được dạy trong môi trường đặc biệt và không đặt ra cho trẻ có thể đạt được các kỹ năng học chữ hay tính toán.

Ví dụ: Trẻ có thể giáo dục được: đối với trẻ từ 6-10 tuổi tính theo ngày tháng năm sinh, tuổi tinh thần của trẻ chỉ khoảng 3-6, giáo án tương ứng với trẻ mẫu giáo, chú trọng đến phát triển ngôn ngữ, lòng tự tin, các thói quen về chơi, làm việc và thói quen tốt cho sức khoẻ ( ăn ngủ, vệ sinh cá nhân…). Trẻ 9-13 tuổi, tuổi tinh thần khoảng 6-9 tuổi : giáo án tương ứng với các kỹ năng học tập cơ bản tới khoảng lớp 3.

Trẻ có thể huấn luyện được: Chú trọng đến tự chăm sóc, các kỹ năng giao tiếp, các thói quen làm việc, tuân theo các hướng dẫn, tham gia các hoạt động xã hội sơ đẳng ( chào, xếp hàng, biết các bảng hiệu đơn giản: dừng lại, dành cho phái nam, phái nữ…).

-Hoà nhập: Nhiều trẻ cho thấy có được lợi ích khi được giáo dục hoà nhập: giáo dục trẻ chậm phát triển trong một lớp học bình thường.

-Bổ trợ hành vi : Là kỹ thuật điều trị được sử dụng rộng rãi và thành công nhất đối với trẻ chậm phát triển. Kỹ thuật này liên quan đến điều kiện thao tác (Operant conditioning): thay đổi hành vi không mong muốn bằng cách thay đổi những hậu quả củng cố nó, đồng thời củng cố những hành vi mới, có tính xã hội và được chấp nhận hơn.

 Ví dụ: Mẹ đang làm bếp, trẻ khóc lớn(Hành vi gây khó chịu), mẹ ra ẵm trẻ, trẻ nín. Trẻ có khuynh hướng khóc lớn những lần sau khi thấy mẹ đang làm bếp!

Để thay đổi hành vi này người ta có thể thay đổi cách đáp ứng với hành vi khóc của trẻ: Trẻ khóc lớn, mẹ tiếp tục làm bếp (mất yếu tố cũng cố), khi trẻ nín, mẹ ra ẵm trẻ lên ( yếu tố củng cố mới). Lần sau trẻ có khuynh hướng nín vì trẻ biết rằng nín sẽ được ẵm!.

Các kỹ thuật về hành vi được áp dụng rộng rãi trong nhiều lãnh vực: các hành vi tự chăm sóc( làm vệ sinh cá nhân, ăn uống, mặc); các hành vi hướng đến công việc ( làm việc , hoàn thành nhiệm vụ); các hành vi xã hội ( hợp tác, hoạt động nhóm), các hành vi không liên quan đến học tập trong lớp (  cùng tham gia, luân phiên, nói ở thời điểm thích hợp); các hành vi liên quan đến học tập ( tính toán, từ vựng). Cha mẹ cũng phải tham gia vào chương trình trị liệu tại nhà.

 

PHÒNG NGỪA :

Mẹ chậm phát triển tâm thần thì có khoảng 40% con sẽ bị chậm phát triển tâm thần theo kiểu có tính gia đình. Hầu hết các bà mẹ  đều có khó khăn về kinh tế xã hội nhưng vấn đề cơ bản không phải là kinh tế mà là thiếu kỹ năng chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Các chương trình giáo dục bao gồm: giáo dục cho cha mẹ hoặc/ và mang trẻ đến một môi trường có nhiều yếu tố kích thích cho sự phát triển của trẻ hơn . Đặc biệt đối với trẻ, khi phát hiện có mẹ bị chậm phát triển thì chương trình giáo dục phải được tăng cường cho trẻ trong vòng 5 năm đầu đời và kết quả nghiêncứu cho thấy có những thay đổi rõ rệt về chỉ số IQ  và kỹ năng đọc so với trẻ không được can thiệp. Mẹ cũng có lợi vì có thời gian rảnh rỗi để làm việc và kiếm tiền khi gửi con vào một trường giáo dục đặc biệt.

Những nguyên nhân sinh học nếu có thể tránh được thì tránh tối đa: Ví dụ không nên uống rượu, hút thuốc hay sử dụng chất ma tuý hay thuốc độc hại trong thai kỳ, phòng tránh các nhiễm trùng đặc biệt là nhiễm siêu vi khi mang thai ( tiêm ngừa Rubella trước khi mang thai, tăng cường dinh dưỡng, uống folate trước khi dự định có thai 3 tháng và sau khi có thai 3 tháng nữa ….), khám thai đầy đủ, hạn chế các tai biến sản khoa….