Trẻ chậm phát triển tâm thần (1)

                   

              TRẺ CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN : (Mental Retardation: MR)

                                                                              BS.Phan Thiệu Xuân Giang

 Có những tên gọi khác nhau: trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm khôn.

Chậm phát triển tâm thần có phải là một vấn đề tâm bệnh lý? Chậm phát triển tâm thần không phải là vấn đề thuộc tâm bệnh học nhưng trẻ chậm phát triển tâm thần có nguy cơ cao 3-4 lần mắc các vấn đề về tâm bệnh lý so với các thành viên trong dân số chung, hơn nữa trẻ chậm phát triển tâm thần thường hay bị lạm dụng về thể chất và tình dục. Tất cả những yếu tố đóng vai trò trong sự phát triển tâm bệnh lý đều có thể thấy ở trẻ chậm phát triển tâm thần như yếu tố sinh học, cảm xúc, nhận thức, mối quan hệ trong gia đình, bạn bè và văn hoá xã hội, những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân có chẩn đoán là chậm phát triển tâm thần.

Định nghĩa: Trước năm 1959, chậm phát triển tâm thần được gọi là trí thông minh dưới mức trung bình ( Subaverage intelligence). Điểm IQ (Intelligence quotient) hơn 2 độ lệch chuẩn thấp hơn so với trung bình thì được xem là độ lệch có ý nghĩa so với trí tuệ trung bình. IQ  70 thì được  xem như là điểm giới hạn đối với chậm phát triển tâm thần.

Năm 1959, hành vi đáp ứng được thêm vào như một tiêu chuẩn chẩn đoán. Nếu một người có đáp ứng thích nghi đầy đủ với môi trường thì tại sao lại xem người đó có rối loạn về chức năng hay bất thường khi chỉ dựa vào chỉ số thông minh được đánh giá dưới mức trung bình? Ví dụ, có một nhóm trẻ được gọi là “ 6 giờ chậm chạp” những trẻ này rất kém ở trường học ( khoảng 6 giờ ở trường) nhưng lại sinh hoạt rất tốt trong môi trường nông thôn hay trong thành phố. Vậy cho nên điểm mấu chốt để chẩn đoán không chỉ là điểm đánh giá của test trí tuệ mà là cách thức mà cá nhân đó thực hành chức năng hằng ngày.

Chẩn đoán theo hiệp hội chậm phát triển tâm thần Hoa Kỳ (AAMR:

American Association of Mental Retardation): Trẻ đáp ứng tốt hay kém với môi trường là điều quan trọng hơn mức độ trí tuệ. Thực hành chức năng có hai yếu tố: Năng lực và môi trường.

Năng lực hay sự thành thạo: có thay đổi trong bối cảnh cá nhân. Có 2 loại năng lực là  trí tuệ và kỹ năng đáp ứng:

1)   Trí tuệ: bao gồm cả nhận thức và học tập, AAMR định nghĩa chỉ số IQ là 75 hay thấp hơn là tiêu chuẩn ngưỡng cho chậm phát triển tâm thần.

2)   Các kỹ năng đáp ứng: được hình thành bởi trí thông minh xã hội và thực hành. Trí thông minh thực hành liên quan đến những kỹ năng cần để duy trì sự độc lập của cá nhân trong việc xử trí các sinh hoạt thông thường hằng ngày ( như tắm, mặc quần áo, tự múc ăn). Trí thông minh xã hội liên quan đến khả năng hiểu được hành vi xã hội phù hợp, các kỹ năng xã hội, các quyết định về đạo đức tốt đẹp trong những tình huống quan hệ với cá nhân khác.

Môi trường được quan niệm như một nơi đặc biệt mà ở đó trẻ sống, học tập, chơi, làm việc,hoà nhập xã hội, và tương tác.Môi trường phải điển hình với các bạn cùng trang lứa và phù hợp với nền tảng kinh tế xã hội của trẻ. Trẻ có khả năng thực hiện chức năng tốt trong cộng đồng mà không cần trợ giúp đặc biệt thì không thể là trẻ chậm phát triển được, trái lại trẻ cần những trợ giúp đặc biệt hay những dịch vụ như công việc được nâng đỡ hay chăm sóc trong trại đặc biệt, trẻ này có thể xem là trẻ có chậm phát triển tâm thần.

AAMR cần thêm chẩn đoán rõ ràng về mức độ suy kém của trẻ bằng cách chỉ ra phạm vi các dịch vụ trợ giúp mà có thể cần thiết cho phép trẻ thực hành chức năng trong môi trường.

Chẩn đoán theo DSM:

Tiêu chuẩn của DSM-IV-TR(2000) bao gồm 3 tính chất: 1) Trí tuệ dưới mức trung bình: IQ< 70 ; 2) Suy kém trong hành vi đáp ứng ;3) Khởi phát sớm dưới 18 tuổi.

DSM cũng sử dụng điểm IQ để phân loại mức độ nặng nhẹ của chậm phát triển tâm thần:

1)   Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ: IQ từ 55-70. Có khoảng 85% người chậm phát triển tâm thần nằm ở mức độ này. Những cá nhân này có kỹ năng học tập ở khoảng mức lớp 6 khi trẻ ở giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên và có thể sống được  trong cộng đồng một cách độc lập hay ở môi trường có giám sát.

2)   Chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình: IQ từ 40-54. Hầu hết các cá thể đều cần sự trợ giúp trong suốt cuộc đời, có một số các thể trong nhóm cần ít dịch vụ trợ giúp. Các cá thể đáp ứng tốt với đời sống cộng đồng trong môi trường có giám sát.

3)   Chậm phát triển tâm thần mức độ nặng: IQ từ 25-39. Những cá thể này bị giới hạn trong khả năng đạt được những kỹ năng học tập, mặc dầu trẻ có thể học đọc một số từ “ sống còn” như ăn, uống... Khi ở tuổi trưởng thành, chúng có thể thực hiện được những nhiệm vụ đơn giản dưới sự giám sát và đáp ứng với cộng đồng bằng cách sống với gia đình hay sống trong nhà tập thể.

4)   Chậm phát triển tâm thần mức độ rất nặng: IQ<25. Những cá thể này cần được chăm sóc và trợ giúp lâu dài. Huấn luyện phải được tăng cường để dạy những kỹ năng cơ bản như ăn uống, làm vệ sinh cá nhân, mặc quần áo. Hầu hết đều có nguyên nhân thực thể.

Hành vi đáp ứng: (Adaptive behavior)

Trong tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-IV-TR, cá thể có chậm phát triển tâm thần cần phải có tiêu chuẩn là không có khả năng thực hiện chức năng như giao tiếp, tự chăm sóc và các kỹ năng xã hội so với cá thể bình thường cùng lứa tuổi trong cùng nền văn hoá của trẻ.

 CHẨN ĐOÁN THEO ICD 10: Từ F70-F79. Phân loại từ chậm phát triển tâm thần nhẹ đến rất nặng, chậm phát triển tâm thần khác: do đánh giá mức độ khó khăn vì các yếu tố đi kèm như suy kém về cảm giác, thể chất như: mù, câm điếc, xáo trộn về hành vi nặng nề…; chậm phát triển tâm thần không biệt định: có bằng chứng về chậm phát triển tâm thần nhưng không đủ thông tin để xếp theo các phân loại trên. Chỉ số IQ ngưỡng là 70.

 

SỰ KHÁC BIỆT VỀ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN Ở NGƯỜI CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN VÀ HỘI CHỨNG DOWN