Giới thiệu về thang Capute

                               THANG CAPUTE

         

                                                             BS.Phan Thiệu Xuân Giang

 

Thang Capute là một trong nhiều đóng góp của Arnold J.Capute thực hiện cho lãnh vực khuyết tật về phát triển thần kinh. Hướng của Capute là “ cung cấp cho nhà nhi khoa một thang điểm về các mốc thính giác và ngôn ngữ mong đợi mà có thể ứng dụng nhanh chóng trong áp lực của công việc thực hành bận rộn”. Thang điểm mốc về ngôn ngữ với tên gọi là Thang điểm mốc về thính giác và ngôn ngữ trên lâm sàng ( The Clinical Linguistic and Auditory Milestone Scale : CLAMS), hoàn toàn hữu dụng trong việc xác định chậm phát triển ngôn ngữ nhưng không thể phân biệt được chậm phát triển ngôn ngữ gây ra bởi các rối loạn về giao tiếp hay được gây ra bởi các rối loạn về nhận thức toàn bộ. Vì vậy, một thang điểm thứ hai nhằm đo lường khả năng nhận thức không lời nói được thêm vào. Thang này có tên là Test đáp ứng trên lâm sàng ( The Clinical Adaptive Test), mở rộng ra test Capute  như lãnh vực phát triển về nhận thức ( khả năng ngôn ngữ và  thị giác vận động) đều được lượng giá. CAT/CLAMS, hiện tại được biết đến như là Thang Capute, phân biệt được nhanh chóng các rối loạn về giao tiếp và các khuyết tật về trí tuệ như là nguyên nhân gây ra chậm ngôn ngữ ở trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Chẩn đoán và phân biệt chính xác sớm về nguyên nhân chậm phát triển ngôn ngữ  là phần giá trị lớn đối với trẻ và cha mẹ bởi vì chẩn đoán đúng cung cấp một hướng để xét nghiệm y khoa , báo cho nhà lâm sàng biết sự hiện diện của những rối loạn đi kèm, cung cấp một nền tảng thực chất để tư vấn cho cha mẹ và vạch hướng cho các dịch vụ can thiệp sớm và theo dõi tiếp.

CÁC NGUYÊN LÝ CỦA THANG CAPUTE:

Chậm ngôn ngữ là mối quan tâm thường gặp của cha mẹ đối với trẻ em ở độ tuổi từ 18-36 tháng tuổi. Các triệu chứng bao gồm từ vựng bị giới hạn, thiếu  sử dụng các cụm từ hay các câu phù hợp với mức tuổi, không hiểu ngôn ngữ nói, không nói để người khác có thể hiểu được. Chẩn đoán phân biệt của những quan tâm này bao gồm : suy kém thính  giác, các rối loạn giao tiếp ( rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, rối loạn ngôn ngữ cảm nhận và diễn đạt, tự kỷ, câm chọn lọc, rối loạn phát âm) và các khuyết tật về trí tuệ. Xét nghiệm khởi đầu đối với bất kỳ trẻ nào có chậm phát triển ngôn ngữ đều nên có một  lượng giá về thính giác phù hợp với tuổi.

Khi thính giác hoàn toàn bình thường, lúc này lượng giá nên đặt trọng tâm vào 2 lãnh vực phát triển nhận thức:  khả năng ngôn ngữ và khả năng thị giác vận động. Thang Capute đo lường mỗi lãnh vực này một cách riêng biệt và thực hiện một chỉ số phát triển ( Developmental quotient). Khi chỉ số này được thiết lập ở mỗi lãnh vực riêng biệt, các chỉ số đó được so sánh nhằm xác định nếu chậm trễ có tính lan toả , điều này chỉ cho thấy có khuyết tật về trí tuệ.Nếu chậm trễ chỉ giới hạn trong lãnh vực ngôn ngữ thì đó là dấu chỉ của một rối loạn về giao tiếp.

Gesell đã phân định một cách rõ ràng giữa chuỗi phát triển bình thường và thời gian có được mỗi điểm mốc trong 5 lãnh vực phát triển cấu thành nên nền tảng của tất cả các lượng giá về phát triển ( Gesell & Amartuda, 1947). Tính đều đặn và có thể tiên đoán được của sự phát triển bình thường cung cấp cho chúng ta một giả thuyết mà từ đó chúng ta có thể được hiểu rõ. Phát triển bất thường hay phát triển không điển hình ( Atypical development) có thể nằm trong bất kỳ 3 lãnh vực riêng lẻ hay có phối hợp sau đây: chậm trễ, lệch chuẩn hay không tương ứng.

Phát triển chậm trễ được định nghĩa là mức độ đạt được điểm mốc chậm hơn so với mong đợi bình thường nhưng một trong trong những mốc đó có thể vẫn duy trì được thứ tự phát triển. Chậm trễ có thể xuất hiện trong một lãnh vực phát triển  đơn độc hay trong nhiều lãnh vực phát triển và được xác định bởi sự hiện diện của chỉ số phát triển thấp hơn 70-75. Kiểu mẫu mà tốc độ phát triển của một trẻ có thể có giá trị về cả chẩn đoán lẫn tiên lượng. Tốc độ phát triển có thể dùng để theo dõi sự hồi phục  hay đáp ứng với trị liệu ở một trẻ mà trước đây có chậm trễ.

Lệch chuẩn: là việc đạt được các điểm mốc phát triển trong một lãnh vực phát đặc biệt nào đó nhưng không theo thứ tự. Ví dụ, cha mẹ có thể kể lại rằng con họ biết lật lúc 2 tháng ( bình thường thì tuổi mong đợi trẻ đạt được mốc này là 4-5 tháng). Nhưng khi thăm khám lại thấy rằng kỹ năng vận động cao nhất của trẻ chống được bằng cùi chỏ  ở tư thế nằm sấp ( kỹ năng này bình thường ở trẻ 3 tháng tuổi). Chi tiết vận động này được xem như là lệch chuẩn vì ở đó việc chống tay được bằng cùi chỏ , rồi sau đó mới đến chống được bằng cổ tay trong tư thế nằm sấp phải có trước khi trẻ biết lật. Trong lãnh vực ngôn ngữ, lệch chuẩn được thấy ở việc tốc độ có được không song song với nhau ở trong lãnh vữc ngôn ngữ cảm nhận và ngôn ngữ diễn đạt, hoặc chỉ có phát triển điểm mốc về ngôn ngữ cảm nhận mà thôi. Cha mẹ báo lại rằng trẻ có vốn từ khoảng 100 ( tương đương với> 24 tháng) là một minh hoạ cho lệch chuẩn về ngôn ngữ diễn đạt. Không giống như chậm trễ và không tương ứng, lệch chuẩn không bao gồm việc chẩn đoán nhưng nó cho nhà lâm sàng thấy rằng có thể có một bệnh nguyên nằm bên dưới gây ra sự lệch chuẩn này trong lãnh vực phát triển và yêu cầu cần một lượng giá xa hơn hoặc nếu trong trường hợp ngôn ngữ thì cần phải xem lại cẩn thận tiền sử về phát triển ngôn ngữ.

Không tương ứng là một tốc độ không đồng đều trong việc đạt được điểm mốc( chỉ số phát triển không ăn khớp) khi so sánh 2 hay nhiều hơn các lãnh vực phát triển với nhau. Một ví dụ về không tương ứng là một trẻ 24 tháng tuổi có kỹ năng vận động thô ở 12 tháng tuổi  ( chỉ số phát triển là 50) nhưng kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng thị giác không gian lại xấp xỉ bằng với tuổi đời của trẻ ( chỉ số phát triển 100). Trong ví dụ này, trẻ cho thấy có sự chậm trễ về vận động có ý nghĩa điều này không đi kèm với những lãnh vực phát triển khác, sự chậm trễ này gợi ý rằng trẻ có thể có bại não hay suy kém về vận động nhưng có kỹ năng nhận thức bình thường. Không tương ứng, khi được áp dụng cho thang Capute, được xem thấy khi có sự không tương ứng giữa hai lãnh vực phát triển nhận thức. Hầu hết các kiểu không tương ứng là phát triển về ngôn ngữ bị chậm trễ nhưng lại bình thường về khả năng thị giác không gian, điều này cho thấy có rối loạn về giao tiếp. Khi cả hai lãnh vực ngôn ngữ và thị giác không gian bị chậm trễ đến mức chỉ số phát triển < 70, cùng với có sự không tương ứng giữa hai lãnh vực này ít, lúc này chẩn đoán khuyết tật về trí tuệ có thể được đặt ra.