Các yếu tố nguy cơ, nhạy cảm, tiềm tàng, bảo vệ đối với tâm bệnh lý

    CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ, NHẠY CẢM, TIỀM TÀNG , YẾU TỐ BẢO VỆ ĐỐI VỚI   TÂM BỆNH LÝ

 

                                                                            BS.Phan Thiệu Xuân Giang

       *Các yếu tố nguy cơ:

1)   Trong bối cảnh sinh học các yếu tố nguy cơ bao gồm: Các khiếm khuyết lúc sanh: các rối loạn về gene, các khuyết tật bẩm sinh; tổn thương hệ thần kinh trung ương: sanh ngạt, thiếu oxy, viêm não- màng não; suy dinh dưỡng: suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng sau sanh; cha mẹ nghiện rượu, ma tuý, mẹ sử dụng thuốc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như thuốc chống động kinh…

2)   Bối cảnh cá thể: Trí thông minh thấp, bản thân mang lại hiệu quả kém, khả năng tự kiểm soát kém

3)   Bối cảnh gia đình: Xung đột giữa cha mẹ, thiếu thốn chăm sóc, gắn bó không an toàn, cha mẹ phớt lờ, lạm dụng trẻ…

4)   Bối cảnh quan hệ xã hội: Chơi với bạn xấu, bạn phạm tội…

5)   Bối cảnh văn hoá: Nghèo, phân biệt chủng tộc, định kiến…

Một yếu tố nguy cơ thì có ảnh hưởng ít hơn nhiều yếu tố nguy cơ cùng một lúc, ví dụ: trẻ có hai cha mẹ cùng nghiện rượu thì nguy cơ bị các vấn đề về tâm bệnh gấp 2 lần so với trẻ có chỉ một cha hay mẹ nghiện rượu.

Các cơ chế nguy cơ: Gắn bó không an toàn, khó điều chỉnh cảm xúc, cấu trúc tinh thần bị bóp méo.

* Các yếu tố nhạy cảm và tiềm tàng:

-Yếu tố nhạy cảm là yếu tố mà làm gia tăng khả năng bị tâm bệnh ở trẻ có nhạy cảm ( khác với yếu tố nguy cơ ở chỗ yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng bị tâm bệnh ở tất cả các trẻ), vì thế yếu tố nhạy cảm xuất hiện như là một ảnh hưởng của sự tương tác.

-Giới tính là một yếu tố nhạy cảm: Trong khi trẻ trai và gái đều bị ảnh hưởng không mong muốn do stress trong gia đình gây ra, trẻ trai phản ứng với các hành vi có vấn đề cao hơn so với trẻ gái.

-Tính khí cũng là một yếu tố nhạy cảm: Trẻ có tính khí khó khăn sẽ thường là mục tiêu cho sự khó chịu , phê bình, thù hằn của cha mẹ nhiều hơn so với trẻ dễ nuôi, chính vì thế trẻ khó khăn sẽ dễ bị gặp những xáo trộn về tâm lý nhiều hơn do hậu quả của sự khó chịu từ cha mẹ.

-Thiếu mối quan hệ tốt với cha mẹ, khả năng hoặch định kém, thiếu chăm sóc tình cảm, kỹ năng xã hội nghèo nàn cũng là những yếu tô nhạy cảm với tâm bệnh lý.

-Ở mức độ văn hoá xã hội: Trẻ có các đặc tính cá nhân không phù hợp với sự mong đợi của xã hội – như là trẻ hay e thẹn sống trong một môi trường mà nền văn hoá đánh giá cao sự dũng cảm- sẽ dễ nhạy cảm với các nguy cơ hơn

-Yếu tố tiềm tàng: Là yếu tố làm khuếch đại ảnh hưởng của yếu tố nguy cơ. Ví dụ: Tiếp xúc với một cộng đồng bạo lực và là một đứa trẻ phải tự xoay sở một mình cả hai đều là yếu tố tiềm tàng cho sự phát triển các vấn đề về hành vi của trẻ. Trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực khi phải sống một mình trong một khu xóm mà không có được cảm nhận mạnh mẽ về cộng đồng, không có người hàng xóm biết chăm sóc và thân thiện khi trẻ sợ hãi vì có lúc phải ở nhà một mình, vì thế cách ly xã hội cũng có tiềm năng gây ra các ảnh hưởng đối với yếu tố gây stress trong môi trường.

* Yếu tố bảo vệ: Bao gồm: trí thông minh, sự dễ chịu, sự thành thạo được đánh giá bởi chính bản thân và xã hội có thể là về học tập, thể thao, nghệ thuật hay máy móc, yếu tố bảo vệ trong gia đình bao gồm: sự hiện diện của cha mẹ biết yêu thương, là chỗ dựa; cách thức nuôi dưỡng của cha mẹ có sự phối hợp giữa đầm ấm và biết tổ chức; sự thuận lợi về kinh tế xã hội; sự trợ giúp xã hội từ một gia đình nhiều thế hệ. Bạn bè cũng có thể  có ảnh hưởng bảo vệ thông qua trợ giúp về cảm xúc và khuyến khích các hành vi tiền xã hội ( prosocial behavior). Các yếu tố bảo vệ cũng bao gồm các yếu tố trong bối cảnh văn hoá như : nhà thờ, trường học.

*Các cơ chế bảo vệ:

-Giảm đi ảnh hưởng của yếu tố nguy cơ: Có nghĩa là các hành động khác nhau nhằm đưa trẻ ra khỏi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, ví dụ : bị ảnh hưởng xấu bởi bạn bè là yếu tố nguy cơ mạnh đối với trẻ đang phát triển mà sống trong khu xóm có nhiều băng nhóm, tuy nhiên cha mẹ theo dõi các hoạt động trong nhóm bạn của trẻ, hướng dẫn trẻ chọn lựa trò chơi và bạn bè để có thể giảm đi nguy cơ phạm tội.

-Giảm đi các chuỗi phản ứng tiêu cực: Các yếu tố bảo vệ có thể có ảnh hưởng trên mối quan hệ, ví dụ: trẻ có tính khí dễ chịu thì thường ít là mục tiêu giận dữ của cha mẹ bị stress, vì thế trẻ ít phát triển những hành vi có vấn đề và cũng làm giảm đi stress và giận dữ ở cha mẹ vì thế chu trình luẩn quẩn của phản ứng tiêu cực từ cha mẹ qua con bị đẩy lùi.

-Thúc đẩy lòng tự trọng và bản thân có hiệu quả giúp trẻ cảm thấy chúng có thể đối mặt thành công với các vấn đề trong cuộc sống. Các phẩm chất này được gia tăng bởi các mối quan hệ cá nhân có trợ giúp và an toàn, bởi việc hoàn thành các nhiệm vụ như thành công ở trường học, những điều này nuôi dưỡng lòng tự tin.

-Mở ra các cơ hội: Qúa trình phát triển liên quan đến nhiều bước ngoặc mà nó cung cấp một cơ hội làm giảm đi ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ, trẻ linh hoạt là trẻ có điểm thuận lợi trong những cơ hội này. Ví dụ: trẻ vị thành niên muốn tiếp tục con đường học vấn của mình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và thành đạt hơn so với trẻ bỏ học giữa chừng, trẻ đeo đuổi tài năng nghệ thuật hoặc các sở thích của riêng mình sẽ có cơ hội đạt được thành tựu cá nhân hơn so với trẻ từ chối tài năng của mình và đi theo số đông người.